Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

[Văn tự làm] Nghị luận về hiện tượng xã hội - Lớp 9

Ngay lúc tưởng là đã dọn sách sẽ foler văn lên đây thì khổ chủ phát hiện ra còn mấy bài văn cũ rích của học kì I học kì II này, thôi để post lên đây luôn cho blog nó phong phú tí :) 

Cái đề này do cô giáo của người viêt trong lúc hứng chí đã ra, thực tình thì chẳng có sách giáo khoa nào có cả == nhưng post lên cho mọi người tham khảo. Tất nhiên là văn phong người viết thì chẳng có gì gọi là đặc biệt cả... mọi người cứ việc chém thoải mái...(cười) 

Note: Copy bài sang nơi khác làm ơn xin ghi rõ nguồn và tác giả là Yunari!!!!!!! Xin hãy tự trọng và tôn trọng tác giả một chút!!! 
 
Vài lời muốn nói, bây giờ xin mời mọi người tham khảo. Comment cho tớ nhé ^^



Enjoy!!!  



Đề: Nghị luận về vấn đề chào cờ.

Bài làm
Chào cờ là một hành động mà không người dân nào không biết. Đó là một nghi thức trang trọng nhằm thể hiện niềm yêu thương, lòng kiêu hãnh, tự hào khi được là con dân đất Việt, đồng thời cũng thể hiện sự biết ơn đối với các thế hệ cha anh vì đã đổ máu hi sinh để đổi lấy độc lập tự do cho đất nước, để thắm thêm nữa cái màu đỏ oai hùng của lá quốc kì thiêng liêng. Thế nhưng việc chào cờ trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đáng để bàn tới. Nó đã, đang diễn ra và xảy ra theo cả hai chiều hướng hoàn toàn trái ngược: tốt và xấu. 

Đối với mỗi con người Việt Nam, có lẽ không còn gì thiêng liêng hơn cái khoảnh khắc đứng nghiêm trước lá cờ Tổ quốc, giơ cao tay chào, miệng hát vang bài Quốc ca hào hùng của đất nước. Trong những giây phút ngắn ngủi ấy, lòng yêu nước của ta, niềm tự hào khi được là nhân dân Việt Nam của ta như được đẩy cao đến đỉnh điểm: tâm hồn ta hòa làm một với lá cờ, trong tâm trí ta lúc ấy chỉ có mỗi hình ảnh lá cờ đỏ thắm phấp phới tung bay; ánh mắt ta hướng về ngọn cờ, hướng về cái vật chứng tiêu biểu cho bao nhiêu năm ba chìm bảy nổi của đất nước, cho bao nhiêu năm vất vả gian lao để lấy lại sự độc lập tự do, lấy lại chủ quyền, lấy lại cuộc sống no ấm hạnh phúc cho nhân dân. 

Thế nhưng hiện nay, trong lúc chào cờ, nhiều bạn học sinh thản nhiên quay sang nói chuyện với bạn khác, rồi cười, rồi giỡn. Có bạn không chịu hát Quốc ca_bài hát mang trong mình tinh thần thiêng liêng bất khuất của dân tộc, thậm chí có bạn còn cố ý xuyên tạc, hát sai lệch lời bài hát đến mức lố bịch để làm trò vui cho các bạn khác lại được một phen khác cười đùa và giỡn. Quốc ca_ bài hát mà người Việt Nam nào cũng biết, cũng tự hào khi hát lên lại không bằng một trò đùa và một chút cười cợt của các bạn ấy? Những hành động vô ý thức đó không chỉ làm khó chịu những người nghiêm túc khác cũng đang chào cờ, mà còn là sự sỉ nhục to lớn đối với quốc kì Việt Nam, với đất nước Việt Nam, đối với bao nhiêu năm trời đấu tranh gian khổ của nhân dân cho một quốc gia độc lập như hôm nay. Ở một số nơi còn có hiện tượng mở máy cát xét hát Quốc ca khi chào cờ, khi chào người ta chỉ việc đứng nhép miệng theo lời nhạc, hoặc tệ hơn, chỉ cần đứng im trong khi giai điệu hùng dũng của bài Tiến quân ca cất lên. Tất nhiên tiếng hát của cát xét có hay cách mấy thì cũng không sao bằng được tiếng hát cất lên từ trái tim ta, từ tận đáy lòng ta, từ sâu thẳm tâm hồn ta. Đứng im hay nhép miệng khi chào cờ trong tiếng máy hát nhạt nhẽo như vậy, có khi nào ta cảm thấy một chút xấu hổ, một chút tội lỗi, một chút áy náy? Và có khi nào ta cảm thấy tiếng hát kia thiếu đi cái gì đó, thiếu một chút nồng nàn, một chút yêu thương, tự hào, hay nhiệt huyết? 

Nguyên nhân của hiện tượng tiêu cực trên có lẽ là do ý thức của chúng ta chưa cao, và lòng yêu nước tồn tại bên trong chúng ta chưa đủ lớn. Nhiều bậc cha mẹ hiện nay do mải mê lo việc kiếm tiền và xoay vòng trong cái guồng quay của cuộc sống đã quên mất trách nhiệm giáo dục con cái những điều hay lẽ phải, cái nào là tốt nên làm, hành động nào là xấu không nên làm,… và hơn hết, trách nhiệm hàng đầu là phải dạy con biết yêu nước qua những tình yêu nho nhỏ như yêu gia đình, yêu bạn bè. Khi đã yêu nước thì ta phải tôn trọng tình yêu đó, phải tôn trọng Quốc kỳ, tôn trọng những buổi sáng chào cờ, tôn trọng việc hát Quốc ca trong những giờ chào cờ ấy. Đó mới là biểu hiện của một con dân nước Việt Nam. Còn một nguyên nhân khác nữa là ở một số nơi người ta không đặt nặng cũng như đề cao vấn đề chào cờ. Như đã nói ở trên, việc mở băng hát Quốc ca ở vài nơi tuy không phải là thương xuyên nhưng lại là một hiện tượng đáng báo động. Nó dẫn tới tâm lý coi thường việc chào cờ ở một số người, mà coi thường việc chào cờ cũng đồng nghĩa với coi thường tình yêu của mình dành cho đất nước, mà coi thường tình yêu nước của chính mình sẽ biến ta thành một kẻ mất gốc đáng trách. Cũng có những trường hợp ta thật lòng muốn hát thật to, thật hùng hồn bài hát của dân tộc nhưng vì nhìn quanh thấy ai nấy đều nín thinh hoặc chỉ nhép miệng đã sinh chột dạ, ngại bị người khác xem là chơi trội, rồi lại không dám hát. Đó thật là một suy nghĩ sai lầm vì biết đâu được, xung quanh ta còn có bao nhiêu người như ta, cũng muốn hát nhưng lại không dám hát? Và biết đâu chừng, khi ta hát lên thì mọi người xung quanh cũng bị tinh thần và nhiệt huyết của ta lôi kéo mà hát theo, khiến cho buổi chào cờ nhàm chán, vô vị trở nên bừng bừng hứng khởi, mở đầu tốt đẹp cho một tuần mới học tập và làm việc tràn đầy tình yêu cùng  sức sống. 

Chào cờ không nghiêm túc có rất nhiều tác hại. Tác hại đầu tiên của nó là làm xấu đi hình ảnh của con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Nếu một người nước ngoài đến Việt Nam và vô tình chứng kiến một buổi lễ chào cờ mà học sinh hát như không hát, hay thậm chí không hát, vừa hát vừa cười đùa, giỡn hớt; hay một buổi lễ chào cờ mà ở đó tiếng hát con người “được” thay bằng tiếng máy cát xét vô hồn, vô nghĩa thì thử hỏi người đó có thể nghĩ tốt về bản thân con người Việt Nam chúng ta nữa hay không? Làm sao mà nghĩ tốt được chứ, về những con người thậm chí còn không coi quốc kì, quốc gia mình quan trọng bằng một chút vui vẻ bỡn cợt của chính mình? Tác hại thứ hai là nó làm phiền và gây khó chịu cho những người khác ở xung quanh, vốn nghiêm túc và có ý thức khi chào cờ, làm ảnh hưởng đến tính tranh nghiêm của buổi lễ. Không những thế, nó còn bào mòn đi tinh thần yêu nước bên trong những con người không có ý thức chào cờ đó. Làm sao họ có thể tự vỗ ngực nói tiếng yêu nước được khi mà họ đã đánh đổi cái khoảnh khắc đẹp nhất, cao quý nhất của người dân đất nước Việt Nam, của con người Việt Nam để lấy những niềm vui nông cạn trong phút giây và lấy cái sĩ diện hão, cái nhút nhát, cái tôi ảo bên trong chính họ? Cái sự mục ruỗng tinh thần ấy hơn tất cả, gây ra nhiều hậu quả hơn chúng ta tưởng, bởi dù có mất gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn không thể mất gốc, mất đi cội nguồn, vì nó là cái đáng trân trọng nhất của ta, là cái để ta vui sướng mỗi lần nói đến khi lưu lạc xứ người, là cái tự hào niềm tự hào không thể nào giải thích của ta khi được là dòng dõi con Rồng cháu Tiên, là người con đất Việt. 

Nhưng rất may hiện tượng đó chỉ chiếm thiểu số trong xã hội hiện nay. Đâu đó vẫn còn rất nhiều người tôn trọng việc chào cờ, coi việc đó như một đặc ân đáng quý: Trong những giải đấu thể thao như SEAGAMES, khi chào cờ, tất cả các cầu thủ trong đội bóng ai nấy đều hoàn toàn nghiêm túc, và khi họ cất vang lời ca Tiến quân ca, ta có thể thấy được trong nhưng ánh mắt ấy, những gương mặt ấy chứa chan lòng yêu nước đến kiêu hãnh và niềm tự hào lớn lao với Tổ quốc khi được hát vang Quốc ca trước bao nhiêu đồng bào, bao nhiêu bạn bè thế giới. Sự hào hứng, chân thành của các cầu thủ khiến ta tự nhắc nhở mình lúc nào cũng phải nghiêm túc lúc chào cờ như họ, dù xung quanh ta không có sự chứng kiến của bạn bè nước ngoài, dù xung quanh ta là cười đùa, giỡn hớt, dù xung quanh ta là những con người hát Quốc ca trong yên lặng. Hay như những buổi sáng chào cờ ở lăng Bác Hồ, ta cảm nhận được cái bầu không khí tuy trang nghiêm nhưng lại bình yên đến lạ của buổi chào cờ nơi đây. Trong trái tim ta lúc ấy chỉ có lá cờ đỏ sao vàng và hai chữ Việt Nam hay đến diệu kỳ; còn trong lá cờ đỏ sao vàng kia lúc ấy có gì? Có lòng yêu Tổ quốc nồng nàn của những con người đang có mặt và cả không có mặt, những người tóc xanh và cả những người đầu bạc, nhưng người còn sống và cả những người đã hi sinh? Hay có những xúc cảm chân thành đối với Tổ quốc mà bất kì nhân dân Việt Nam nào cũng có? 

Buổi chào cờ là khoảng khắc, là thời gian, là phút giây đáng trân trọng nhất của mỗi người, vì vậy không nên phá hỏng nó hay làm nó trở thành một vở kịch nhạt nhẽo, vô nghĩa. Chúng ta hãy kêu gọi họ, những người vẫn chưa có ý thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc chào cờ; kêu gọi bằng những lời khuyên răn, nhắc nhở và bằng cả những tiếng gọi từ trái tim, từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta; đối với tuổi học sinh thì cần giáo dục cho các bạn ấy biết, hiểu, cảm nhận về dòng máu đang chảy trong huyết quản của chúng ta là từ đâu, quê hương ta là ở đâu, cội nguồn ta ở đâu. Còn đối với những người đã có ý thức, hãy cổ vũ họ; hãy cũng cổ vũ họ bằng những cảm xúc chân thực nhất, những lời khích lệ xuất phát từ tận đáy lòng. Vì, trên hết, tình yêu thương mới là thứ gắn kết con người ta lại với nhau nhanh nhất, gần gũi với mỗi chúng ta nhất, và có sức lan tỏa mạnh nhất.  

[Thơ sưu tầm] Đối sánh Kiều - Lớp 9

Hì, post hết kho văn viết máy lưu trong folder rồi, bây giờ người viết xin post tiếp những bài thơ sưu tầm được trên mạng để làm đối sánh đưa vào tập làm văn (cho nó hay, phong phú, cao điểm,...) Gì chứ mấy bài thơ đối sánh này cũng tốn của người viết kha khá thời gian lục lọi trên mạng... Hi vọng nó giúp ích cho các sĩ tử tương lai! ^^ 
Nói về Kiều thì có vô hạn những đối sánh, quan trọng là phải biết lựa cái nào để đưa vô bài, tránh trường hợp tham quá nhiều đối sánh làm bài bị loãng. 
Cái vấn đề này đã nói nhiều lần rồi, nhưng hình như cứ bị lặp lại mãi... Trời ơi!!!! Tôi đã căn lề chuẩn lắm rồi cơ mà :(( Có mấy chỗ bài bị khuất người viết không sao sửa được, nếu mọi người có thời gian copy lại vào Word mà đọc nhé.... :<
lại một rắc rồi nhỏ nữa với tác giả bài ngay dưới đây... >< 

Mùa xuân ai khéo vẽ nên tranh,
Nô nức đua nhau hội đạp thanh.
Phận bạc ngậm ngùi người chín suối,
Duyên nay dun dủi khách ba sinh.
Dãy hoa nép mặt gương lồng bóng,
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình.
Man mác vì đâu thêm ngán nỗi!
Đường về chiêng đã gác chênh chênh.


Mộng đào mà sinh, bạc mệnh triệu trưng hoa nửa úa
Tiếng đàn như oán, Đoạn tràng phổ lựa khúc Tân Thanh.

Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy – Phạm Quý Thích

Than ôi, một bước phong trần, mấy phen chìm nổi; trời tình mờ mịt, bể hận mênh mang. Sợi tơ mành theo gió đưa đi, cánh hoa rụng chọn gì đất sạch. Ai dư nước mắt khóc người đời xưa, thế mà giống đa tình luống những sầu chung, hạt lệ Tầm Dương chan chứa; lòng cảm cựu ai xui thương mướn, nghe câu ngọc thụ não nùng.

Lại xem như bút mực tài hoa, đoạn trường mười khúc; trúc tơ phong nhã, hồ cầm một chương; câu thần vẳng vọng tiêu tao, bóng ngọc tưởng chiều não nuột; hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, vậy nên khách đa tình say chuyện phong lưu, trăm năm cũ còn ghi tên tuổi hảo; người chép sách tiếc vì tài sắc, nghìn thu sau nhặt lấy phấn hương thừa. – Chu Mạnh Trinh

"Tiểu tử sao không học kinh Thi, kinh Thi có thể xem xét được biến cố, có thể hưng khởi được lòng người, có thể biết lẽ ở đời, có thể hả hê được những nông nỗi uất ức ở trong lòng” – Khổng Tử

ĐỀ TỪ CỦA PHẠM QUÝ THÍCH
Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường
Bán thế yên hoa trái vị thường
Ngọc diện khởi ưng mai thủy quốc
Băng tâm tu khả đối Kim Lang
Đoạn trường mộng lý căn nguyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân thanh đáo để vị thùy thương .
Bản dịch của Lê Thước :
Hồng nhan ví chẳng đến Tiền Đường
Nửa kiếp yên hoa nợ vẫn mang
Mặt ngọc dễ hầu vùi đáy nước
Tiết băng không thẹn dối lòng chàng
Đoạn trường tỉnh giấc nguồn cơn rõ
Bạc mệnh đàn xong mối hận vương
Một mảnh tài tình thiên cổ lụy
Tân thanh đau xót tỏ tình thương .
Bản dịch của Phan Duy Kha :
Người đẹp ví không đến Tiền Đường
Nửa đời chưa trả nợ còn vương
Mặt ngọc há đành vùi đáy nước
Tiết băng đâu thẹn với Kim Lang
Mộng tỉnh “đoạn trường”  nguồn cơn dứt
Đàn xong “bạc mệnh” hận còn mang
Một mảnh tài tình ngàn thu lụy
Tân thanh này để tỏ tình thương
*
TỔNG VỊNH NÀNG KIỀU
Kiều nhi giấc mộng bặt như cười
Tỉnh dậy xuân xanh quá nửa rồi
Số kiếp bởi đâu mà lận đận
Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi
Cành thoa vườn Thúy duyên còn bén
Ngọn nước sông Tiền nợ chửa xuôi
Không trách chàng Kim đeo đẳng mãi
Khăng khăng vớt lấy một phần đuôi .
Nguyễn Khuyến
*
VỊNH KIỀU
Tiếng trống biên đình bốn phía ran
Tướng quân chi tiếc cái hoa tàn
Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng
Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan
Tổng đốc ví thương người bạc phận
Tiền Đường đâu đã mả hồng nhan
Bơ vơ nấm đất ven sông đó
Hồn có nghe chăng một tiếng đàn .
Tản Đà
KÍNH GỬI CỤ NGUYỄN DU
Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ cụ, thương thân nàng Kiều
Hỡi lòng tê tái thương yêu
Giữa dòng trong đục, cánh bèo lênh đênh
Ngổn ngang bên nghĩa, bên tình
Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nao ?
Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào
Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường !
Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng
Nhân tình, nhắm mắt, chưa xong
Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như ?
Mai sau dù có bao giờ
Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay .
Tiếng đàn xưa đứt ngang dây
Hai trăm năm lại càng say lòng người
Trải bao gió dập sóng dồi
Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha
Đau đớn thay phận đàn bà
Hỡi ôi thân ấy biết là mấy thân !
Ngẫm xem qua kiếp phong trần
Đời vui nay đã nửa phần vui đây
Song còn bao nỗi chua cay
Gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh
Cũng loài hổ báo ruồi xanh
Cũng phường gian ác hôi tanh hại người !
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
Hỡi người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng người !
Sông Lam nước chảy bên đồi
Bỗng nghe trống dục ba hồi gọi quân. . .
1.1.1965
Tố Hữu
THĂM MỘ CỤ NGUYỄN DU
Thật kỳ lạ nơi Nguyễn Du nằm đó
Cũng cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Cũng nấm mộ sè sè ngọn cỏ
Trong trang Kiều tôi đọc dưới đèn khuya.
Không phải tiết sụt sùi tháng bảy
Ánh chiều hè man mác hàng dương
Đỉnh Hồng Lĩnh soi dòng Lam cuộn chảy
Tiếng cuốc cào lách cách giữa đồng nương.
Tìm mộ Nguyễn Du như Kim Trọng tìm Kiều
Qua nhịp cầu ai đó ghé trông theo
Giữa khoai lúa người nằm giản dị
Phảng phất hương bay trong gió chiều.
Tiếng người hát xưa thấm đầy nước mắt
Thấm vị đời cay đắng khổ đau .
Hai thế kỷ đi qua trên nấm đất
Mấy kiếp người, mấy cuộc bể dâu.
Đời nay đẹp gấp trăm lần thuở trước
Giở trang Kiều còn rung động ý thơ.
Thơ Người mãi sống cùng đất nước
Dù mai sau dù có bao giờ. . .
Hoàng Trung Thông
*
BÊN MỘ CỤ NGUYỄN DU
Tưởng là phận bạc Đạm Tiên
Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây
Ngẩng trời cao, cúi đất dày
Cắn môi, tay nắm bàn tay của mình
Một vùng cồn bãi trống chênh
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề
Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non
Xạc xào lá cỏ héo hon
Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi
Lặng yên bên nấm mộ rồi
Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm.
Không cành để gọi tiếng chim
Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời
Không vầng cỏ ấm tay người
Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu
Thanh minh trong những câu Kiều
Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân.
Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân
Phong trần còn để phong trần riêng ai
Bao giờ cây súng rời vai
Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên (1)
Trái tim lớn giữa thiên nhiên
Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa. . .
1982
Vương Trọng
(1): Bài thơ này làm năm 1982, mãi đến năm 1989 lăng mộ Nguyễn Du mới được xây dựng như mong muốn của tác giả.
*
NGOẢNH MẶT GIANG ĐÌNH
Rặng bần áp bến đò ngang
Để sông Lam chẳng lẫn sang sông Tần
Đỉnh  Hồng gấp cánh phù vân
Chín mươi chín ngọn in ngần trời quê
Bên  sông buổi ấy người về
Mon men tùng cúc thu kề ngoài song
Giang Đình (1) kề mảnh trăng trong
Tiếng chày ánh lửa động lòng cố hương
Vớt lên khói sóng Tiền Đường
Trăm năm này cõi vô thường người ta
Bụi hồng bạc xóa lau xa
Tiếng Kiều đồng vọng cỏ hoa cúi đầu
Sông in núi chẳng thay màu
Ngả ài dđiệu sóng thuyền câu bập bềnh
Giang Đình ngày rộng thênh thênh
Cánh buồm xa thoắt qua ghềnh triều lên
Cỏ thơm Vạt áo Tiên Điền
Thi nhân chừng mới như biền biệt đây
Chiều tà buộc nắng lưng cây
Biết đâu mây trắng còn ngây lối về. . .
Phạm Trọng Thanh
(1) : Giang Đình là một bến đò cổ ở quê hương Nguyễn Du, nơi Nguyễn Du có làm bài thơ ghi lại việc đón thân phụ là Nguyễn Nghiễm về quê. Giang Đình là một trong Nghi Xuân bát cảnh: Giang Đình cổ độ.
*
NHỚ TỐ NHƯ
Mấy trăm năm đã qua rồi
Gò đất nấm mộ của Người còn đây
Ngay bên vạt ruộng đang cày
Gốc cây buộc ngựa thì nay chẳng còn
Nhưng không mất được lối mòn
Đẹp như sợi chỉ để con tìm về
Cái thời rất khó khen chê
Vua thì hại gái vừa mê đàn bà
Cái thời có một bông hoa
Như sinh ra chỉ để mà vô duyên
Cái thời có một người em
Đưa mình thế chị ở trên đời này
Cái thời ngẫm lạ lùng thay
Những người chân thật lại hay tội tình
Những người biết phải làm thinh
Còn đâu như ở nước mình nữa không
Nhà thơ đứt ruột, đứt lòng
Phải đi mượn chuyện bên sông nước người
Chuyện xa xưa, chuyện cũ rồi
Để mà nói những buồn vui nước mình. . .
Càng khi đất nước thanh bình
Thơ Người càng được chúng sinh nhắc nhiều
Nước non có một Truyện Kiều
Bao nhiêu lần đọc, bấy nhiêu lần buồn
Đã đành thuở ấy nước non
Nhân tình thế thái chẳng còn ra chi
Dân nghèo và nước đang suy
Cô Kiều cực nhục có gì lạ đâu. . .
Thế mà trong cuộc bể dâu
Người xem vương miện trên đầu như không
Truyện Kiều con đọc đã xong
Gần ba thế kỷ, đọc trong một chiều
Người ơi, Người viết Truyện Kiều
Về xem đất nước quá nhiều đổi thay. . .
1994
Phạm Việt Thư
*
VIẾNG CỤ NGUYỄN DU
Bên mồ thi sĩ lệ tuôn rơi
Hậu thế tìm đâu để có người
Thương phận má đào cơn gió dập
Xót đời mệnh bạc cánh bèo trôi
Ghê phường trục lợi tài xu thế
Gớm lũ tham danh giỏi nịnh thời
Tam bách niên dư thiên hạ phục
Trước mồ thi sĩ lệ tuôn rơi .
1993
Phan Mạnh
 Hai cái này copy trên Wikipedia....

Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ Nhân:



... Xem chỗ giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy dậy mà căn duyên vẫn gỡ chưa rồi; khúc đàn bạc mệnh gảy xong, mà oán hận vẫn còn chưa hả, thì dẫu đời xa người khuất, không được mục kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thắm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột.



Dương Quảng Hàm



trên từ các bậc văn nhân thi sĩ, dưới đến các kẻ thường dân phụ nhụ, ai cũng thích đọc, thích ngâm và thuộc được ít nhiều...

[Thơ sưu tầm] Đối sánh ánh trăng + lao động - Lớp 9

Hì, post hết kho văn viết máy lưu trong folder rồi, bây giờ người viết xin post tiếp những bài thơ sưu tầm được trên mạng để làm đối sánh đưa vào tập làm văn (cho nó hay, phong phú, cao điểm,...) Gì chứ mấy bài thơ đối sánh này cũng tốn của người viết kha khá thời gian lục lọi trên mạng... Hi vọng nó giúp ích cho các sĩ tử tương lai! ^^ 
Hai chủ đề này hơi ngắn nên sẽ lại gộp chung vào một bài, "Ánh trăng" và "Đoàn thuyền đánh cá" nhé :) 
Lại một lần nữa khùng lên vì bố cục quá ư là mất cân đối >"<
Anyway, enjoy!!! ^^ 
Trăng

Thơ Hàn Mặc Tử

“Trời sáng trăng,sáng khắp mọi nơi
Tôi đương cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là trăng của rạng ngời.”
(Trăng vàng trăng ngọc)

“Ta bay lên!Ta bay lên!
Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm…
Sáng trưng sáng cả vùng tiên động
Ta ngắm hồn ta sáng trẻ măng
Thơ ta vọt bắn thơm phưng phức
Vô số máu tươi cháy lặng lờ…”
(Chơi trên trăng)

“Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hý hửng với ngàn khơi.”
(Say trăng)

“Cả miệng ta trăng là trăng
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan
Ta nhả ra đây một nàng
Cho mây lặng lờ cho nước ngất ngây.”
(Một miệng trăng)

“Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”
(Thức khuya)

“Thuyền ai lướt bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
(Đây thôn Vĩ Dạ)

Trong đêm thanh, trăng tàn canh,
bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh
Dư âm xa, còn vang mãi
trong ánh đêm trăng tà
(Gạo trắng trăng thanh - Bài hát)

Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để  rụng, măng mai để già.
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
(Tố Hữu) 

 Lao động


Bến Vược thuyền ngư chật mấy tầng,
Trong nhàn riêng có việc lăng xăng.
Lưới chày phơi trải đầy trời hạ,
Gỏi rượu hi ha toại nghiệp hằng.
Nghề Thuấn hãy truyền bền trác trác,
Dấu Nghiêu còn thấy đủ răn răn.
Suy trong mười kiểng thanh hòa lịch,
Họa kiểng Bồng Lai mới sánh bằng.


Những buổi mai khi biển cuốn màn sương
đầu ngọn sóng ửng hồng nắng sớm
Lá cờ đỏ sao vàng bay lượn
như nói lên mình làm chủ đời mình
thuyền ra khơi chạy tới bình minh
chiếc buồm trắng cánh chim câu nắng chói
nhìn vô bến một vệt dài: hòn Dọi
phía chân trời ghi dấu quê hương
Con thuyền ru giữa biển tình thương
những làn sóng nói bao lời âu yếm
ở trên biển hay trong lòng của biển
như đứa con nằm giữa vành nôi?
Dương cúi nhìn dưới nước thấy mây trôi
cánh buồm gió lưng trời vời vợi
những đàn cá rẽ mây lướt tới
như cánh chim bay giữa từng không
cá chuồn, cá thu, cá nục, cá hồng...
những con cá vây vàng đuôi bạc vẫy
mắc vào lưới còn đành đạch nhảy
nằm trong khoang mát rượi muốn ăn tươi

Khoảng trời quang (Người dịch: Thứ Dân)

Đại dương rạng rỡ dưới làn mây tản mạn
Sóng mệt lử trong đấu tranh vô hạn
Đang ngủ thiếp, cho ghềnh đá bình an
Làm bờ biển say như chiếc hôn mênh mang


[Thơ sưu tầm] Đối sánh người lính + Bà cháu - Lớp 9

Hì, post hết kho văn viết máy lưu trong folder rồi, bây giờ người viết xin post tiếp những bài thơ sưu tầm được trên mạng để làm đối sánh đưa vào tập làm văn (cho nó hay, phong phú, cao điểm,...) Gì chứ mấy bài thơ đối sánh này cũng tốn của người viết kha khá thời gian lục lọi trên mạng... Hi vọng nó giúp ích cho các sĩ tử tương lai! ^^ 
Mở đầu là đối sánh cho hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng lê nhất thống chí rồi, bây giờ đến đối sánh cho hình tượng người lính trong hai bài thơ "Đồng chí" và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" nhé :) 
 
Anh vệ quốc quân - Xuân Thuỷ

Cái áo trấn thủ
Cái mũ nan tre
Nước da vàng khè
Đôi mắt sáng rực

Có phải cây súng kia còn ấm ức
Chưa giết trọn quân thù?
Có phải chiếc ba lô
Còn chứa đầy tâm sự?

Này đây bàn tay thợ
Này đây bàn tay nông
Này đây tay hàng rong
Này đây tay cậu tú
Ai sợ gì chúng nó
Dù súng mẹ súng con.

Dừng chân gió rít đầu non
Nhìn sang phía giặc lòng còn sục sôi
Đêm qua đánh trận bên đồi
Vừa vào được bốt, sáng trời phải ra
Xung phong mới giáp lá cà
Mấy thằng quỷ đã ra ma mấy thằng
Trời kia ơi có biết rằng
Trời đừng sáng vội, ta phăng cả đồn.

Việt Bắc, 1948

Những người chết không trẻ mãi -- Thanh Thảo

Ngày các chị các anh nằm xuống
vừa tuổi hai mươi
thôi cũng đành coi như một chuyến đi
về một thế giới khác

Làm sao nói được
thế giới ấy thế nào
những không gian ầm ào
những đường biên câm

Tắt phụt ngọn gió
rã rời từng mảnh vải dù
ong ong u u
những mắt nhìn xa vắng

Không màu mè không cao giọng
lặng im sờ sẫm lặng im
không hình hài
những bàn tay siết nhau không biết

Hai mươi nǎm ba mươi nǎm bốn mươi nǎm
tuổi chết dần hơn tuổi sống
những người chết già đi chầm chậm
đôi lúc họ quay về nhìn trần gian qua một lớp kính mờ.

Khoảng trời - Hố bom

Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom...

Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mồ, nắng ngời bao sắc đá,
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau.

Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh.
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hóa thành những làn mây trắng ?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài.
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em

Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng.

Lâm Thị Mỹ Dạ
( 1972 )

Tây tiến – Quang Dũng

                        

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây tiến người đi không hẹn ước
Ðường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Cao điểm
Anh Ngọc

(Tặng đồng đội tôi trên các cao điểm Hàm Rồng)

Trên hoang sơ nắm đất đỏ lòm
Trên điêu tàn lở loét hố bom
Trên cháy sém có gà nắng liếm
Ta xây cao điểm.

Đồng đội cùng ta lên cao
Tám hướng mây bay bát ngát chào
Ta như mũi thép đầu lưỡi mác
Mưa gió từng chen mài nhọn hoắt

Ngày nơi đây chừng cũng dài hơn
Hoàng hôn muộn mà bình minh sớm thức
Đời trên cao chẳng biết có thời gian
Lịch chiến đấu không có ngày chủ nhật

Những con gió qua đây thường thì thầm mách hướng kẻ thù
Một hòn sỏi cũng nghiêm trang xếp thành chiến lũy
Thương anh nuôi nát gót còng lưng
Một nắm cơm lên, mười bận nghỉ

Những khi đêm về trên cao điểm
Cả đất trời thức quanh đài trực chiến
Pháo thủ ngồi lẫn với trăng sao
Lòng mênh mông theo đuổi những con tàu
Đến những thôn xóm yên lành
Đến những phố phường đổ nát
Cao điểm ta xây trên tình yêu Tổ quốc
Trên mối thù giặc Mỹ chất trong tim

Cho dẫu nơi đây sắt thép lại trườn lên sỏi đá
Hoa chuối hoang ken với xương rồng
Cao điểm vẫn cao trênvần thơ điệu hát
Giọng "Sắp qua cầu". điệu "Lý sang sông"

Giờ chiến đấu là giờ đẹp nhất
Đạn vách đường bay như ngàn ánh cầu vồng
Hai ngàn thước vuông trên đỉnh núi
Mỗi thước vuông nâng dậy một anh hùng.

Hàm Rồng, 7-1967

Đưa con ra trận
Chế Lan Viên (1952
)

Mẹ về trong xóm
Con đi công đồn
Theo chân ra tới đầu thôn
Rót thêm bát nước chân còn muốn theo
Xác xơ đất đỏ xóm nghèo
Khoai sắn chẳng thương con mấy hôm liền con ở nhà dột, phên thưa, đời mẹ khổ
Tắt nắng, lun ngày, còn mong chi nữa
Các con về mấy bữa
Đời mẹ già rạng rỡ thương yêu
Mẹ mẹ, con con chưa được mấy lăm chiều
Chiều nay con ra trận
Lòng mẹ thương
Nhưng thôi tình chẳng bận
Đi đi mẹ lắng tin chờ
Chao ôi! thù mấy năm thù
Tiếc đất chưa hoá lửa để thiêu tro trại đồn
Trời chưa đổ núi nhào non
Biển chưa dâng sóng mà chôn quân giặc cướp
Súng ống ở mô các con về nườm nượp
Ngàn ngàn lớp lớp
Nghĩ xung gan mấy năm cay đắng căm hờn
Thôi, vui chứ đời mẹ đang còn
Con đêm ni để nghe quân giặc chết
Giết hết, phá tan, bắn đi cho hết
Kìa con xem làng ni không còn một gốc mít, một cây chè
Xóm ni không còn một đứa trẻ khóc o oe
Không một tiếng gà kêu, chó sủa
Thì bọn giặc, cũng không còn một đứa...
Con cần chi nữa
Uống thêm bát nước
Cầm thêm củ gừng
Giữ lấy tấm khăn
Ra trận đêm sương mà buộc cổ
Trời đêm ni sao mà nhiều gió rứa?
Sao đêm ni răng mà lại tỏ?
Thôi con đi
Mẹ về
Đốt lửa
Chờ con
Nửa đêm súng nổ cho dòn
Mai tin con mạnh đồn tan mẹ mừng.

BAO GIỜ TRỞ LẠI
HOÀNG TRUNG THÔNG


Các anh đi
Ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Các anh đi
Bao giờ trở lại
Xóm làn tôi trai gái vẫn chờ mong

Làng tôi nghèo
Nho nhỏ bên sông
Gió bắc lạnh lung
Thổi vào mái rạ
Làng tôi nghèo
Gió mưa tơi tả,
Trai gái trong làng vất vã ngược xuôi,

Các anh về mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười
Rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nậu.
Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về.

Từ lưng đèo
Dốc núi mù che
Các anh về
Xôn xao làng tôi bé nhỏ
Nhà lá đơn sơ,
Tấm lòng rộng mở,
Nồi cơm nấu dở
Bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau

Anh giờ đánh giặc nơi đâu
Chiềng Vang, Vụ Bản hay vào Trị Thiên?
Làng tôi thắng lợi mùa chiêm
Lúa thêm xanh ngọn, khoai thêm thắm vồng
Giảm tô hai vụ vừa xong
Đêm đêm ánh đuốc dân công rực đuờng
Dẫu rằng núi gió, đèo sương
Sợ ạnh.máu.nhuộm chiến trường thấm chi

Bấm tay tính buổi anh đi

Mẹ thường vẫn nhắc biết khi nào về?
Lúa xanh xanh ngắt chân đê
Anh đi là để giữ quê quán mình
Cây đa, bến nước, sân đình
Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường
Hoa cau thơm ngát đầu nương
Anh đi là giữ tình thương dạt dào

Các anh đi
Khi nào trở lại
Xóm làng tôi
Trai gái vẫn chờ mong…
 
Thơ về tình bà cháu hơi ít nên người viết sẽ gộp luôn vào phần thơ đối sánh về người lính. Ngoài mấy bài thơ này thì khi viết về bà cháu cũng có thể tham khảo thêm bài "tiếng gà trưa" trong Ngữ văn lớp 7, bạn nào chưa cân kí sách cũ thì lật ra xem nhé :D 
Nhân tiện cũng xin cáo lỗi với mọi người là mặc dù đã cố gắng, người viết cũng không tìm ra tên tác giả _"_ Cáo lỗi luôn về cái bố cục của bài viết hơi bị lộn xộn ><
Enjoy!!!!


Bà ơi bà! Bố cháu
Đi câu mực ngoài khơi,
Thuyền mới rồi lắp máy,
Buồm cũng vừa mới may.

Ở ngoài khơi đêm nay
Trời tối đen như mực
Con thuyền lao vun vút
Giữa bốn bề sóng vây.

Cháu cầu gió biển khơi
Đẩy thuyền mau trở lại,
Thương bà bóng lắt lay
Cháu thì còn thơ dại .

Cửa nhà đầy trống trải
Thùng gạo ngày dần vơi
Cơn dông rập rình tới
Sóng trở mặt từng ngày.

Ở ngoài khơi đêm dày
Bao con tàu chao đảo;
Bà ơi Bà, Bố cháu
Liệu có về đêm nay?...
 
Cháu đi tìm lại bóng bà
Bà tôi xuôi ánh nắng chiều
Nào rơm nào rạ còn theo đi cùng
Dây thừng bện chặt thắt lưng 
Mồ hôi nước mắt rưng rưng một đời
Đồng làng rét lạnh áo tơi
Nước trong chum vại bà soi bóng hình
Lêng loang như thể tội tình
Cả đời không rõ mặt mình trắng đen
Cháo cơm cập cợi ánh đèn
Thương chồng con nuốt mà nghèn nghẹn đau
Chợ trưa nắng héo gánh rau
Bếp chiều củi lửa cháy đau lưng còng
Áo nâu vừa vắt vừa hong
Nửa khô nửa ướt chất chồng mụn may.
Cháu đi tìm tháng năm gầy
Câu thơ buốt lạnh cuối ngày buồn hoang.