Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

[Văn tham khảo] Các truyện trong chương trình lớp 9

Cái này thực tình cũng không phải là do người viết chép trên mạng về, là do một người bạn của người viết gửi qua Y!M làm tài liệu tham khảo, và đó cũng là lý do người viết hoàn toàn không biết nguồn cũng như tác giả của bài viết == (rất ư là cảm thấy tội lỗi với cái này) Nhưng theo trí nhớ kém cỏi của người viết thì cái này được lấy trên website của tác giả Lê Hồng Hải == Người viết thành thật nhận lấy thiếu sót này, mong mọi người thông cảm. 

Nói nhảm đủ rồi, mọi người đọc và tham khảo. Chúc mọi người có một nguồn tài liệu thật tốt ^^! 

Mọi người comment nhiệt tình nhé ^^

Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê
1.Về Lê Minh Khuê:
Trước năm 1975, tác phẩm chủ yếu viết về cuộc sống chiến đấu của thanh niên xung phong, bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn. Sau năm 1975, các tác phẩm của bà bám sát vào những biến chuyển, đổi mới xã hội trên tinh thần đổi mới. Các tác phẩm chính: Cao điểm mùa hạ (1978), Đoàn kết (1980), Bi kịch nhỏ (1993), Một mình qua đường (2006). Truyện “Những ngôi sao xa xôi ” là một trong những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, trong lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang diễn ra rất ác liệt.
2. Tóm tắt nội dung:
Truyện kể về một tổ trinh sát nữ phá bom trên cao điểm. Họ gồm có ba người : chị Thao, Nho và Phương Định. Công việc của họ là theo dõi việc ném bom của địch, đo khối lượng đất lấp vào hố bom và phá những quả bom chưa nổ. Nơi họ ở rất vắng vẻ và công việc rất vất vả, cái chết rình rập nhưng họ vẫn yêu đời lạc quan. Đặc biệt Phương Định có một tâm hồn lãng mạn, mộng mơ, thích hát, làm điệu...  Một lần, theo sự phân công của chị Thao, Định ở hang trực máy điện thoại, còn chị Thao và Nho đi trinh sát. Định lo lắng cho các bạn nhưng rồi họ cũng về. Sau đó, ba chị em cùng đi phá những quả bom chưa nổ. Định phá một quả bom trên đồi, Nho phá hai quả dưới lòng đường còn chị Thao phá một quả dưới chân hầm ba-ri-e cũ. Nho bị thương trong lần phá bom đó do hầm cô nấp bị sập. Cô được Định và Thao đưa về chăm sóc cẩn thận. Không ai khóc trong hoàn cảnh ấy, họ cố giữ vẻ cứng cỏi để làm yên lòng đồng đội. Một cơn mưa đá bất ngờ ập xuống, Định chạy ra nhặt những viên đá và đem vào cho Nho mấy viên. Họ say sưa với những niềm vui thời trẻ con, và trận mưa ấy cũng đem về trong tâm trí Định bao hình ảnh ở quê nhà.
Tình huống của truyện : tâm trạng Phương Định trong một lần phá bom mìn.
 Tác dụng của tình huống ấy: làm nổi bật tính cách của nhân vật Phương Định. Đó là một cô thanh niên xung phong dũng cảm, gan dạ, yêu mến công việc và có tinh thần trách nhiệm cao. Tính cách của nhân vật Phương Định cũng là tính cách của những cô gái thanh niên xung phong thời chống Mĩ cứu nước.
3.   Truyện được trần thuật từ nhân vật nào? Ngôi thứ mấy? Chọn cách trần thuật như thế có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung truyện?
            Truyện được trần thuật ở ngôi thứ nhất, từ nhân vật Phương Định - nhân vật chính của truyện.
            Tác dụng của cách chọn vai kể như vậy: thuận lợi trong việc biểu hiện thế giới tâm hồn, cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật đồng thời phù hợp với nội dung tác phẩm và tăng tính chân thực cho câu chuyện.
4. Giải thích tiêu đề:
            Mượn hình ảnh thiên nhiên là những ngôi sao trên bầu trời cao rộng, tác giả nói về những cô gái thanh niên xung phong, công việc của họ rất thầm lặng trên một cao điểm xa xôi, ít người nhìn thấy được. Nhưng từ ánh mắt đến việc làm của họ đều toả sáng cho thế hệ mai sau học tập và noi theo.
5. Phân tích tâm lý nhân vật Phương Định.
            Tâm lý nhân vật Phương Định được miêu tả sinh động và rất tự nhiên. Cô tự ý thức mình là một cô gái đẹp: cô tự ngắm mình trong gương và tự hào về cái ngoại hình khá của mình. Đó là nét tâm lý rất tự nhiên, rất đáng yêu của những cô gái trẻ. Cô không vồn vã đối đáp với mấy anh bộ đội mà thường đứng ra xa khoanh tay trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt. Nhưng thực ra trong lòng rất nể phục các anh bộ đội. Đó là kiểu làm bộ, làm điệu rất nữ tính. Cách để cho nhân vật “tự thú ” làm cho tính cách nhân vật hiện lên chân thật. Đặc biệt, tác giả thành công khi miêu tả tâm trạng cô trong một lần phá bom. Dù đây là công việc hàng ngày của các cô, nhưng Phương Định rất hồi hộp và lo sợ. Đó là tâm lý thường tình của những người đối diện với hiểm nguy, có thể là cái chết. Nhưng khi nghĩ đến có ánh mắt những chiến sĩ dõi theo mình, cô không lo sợ mà đàng hoàng bước tới chỗ quả bom Như vậy, nhân vật vừa mang nét đẹp chung của những người lính trinh sát dũng cảm gan dạ, đồng thời là một cô gái trẻ trung, lãng mạn, giàu mơ mộng và có tâm hồn trong sáng.

Làng - Kim Lân
1. Về Kim Lân:
            Kim Lân là nhà văn am hiểu sâu sắc cuộc sống nông thôn và người nông dân Việt Nam. Các tác phẩm của ông hầu như chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân. Các tác phẩm chính của ông: Nên vợ nên chồng, Con chó xấu xí,...  Tác phẩm “Làng”: Truỵên ngắn này được viết vào thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu tiên trên tạp chí văn nghệ năm 1948.
2. Tóm tắt nội dung truyện.
            Ông Hai Thu là người làng Chợ Dầu. Vì hoàn cảnh, ông phải theo gia đình đi tản cư. Trong thời gian sống xa làng, ông rất nhớ làng, ông thường kể chuyện về cái làng Chợ Dầu của mình cho mọi người nghe để bớt đi nỗi nhớ làng. Thế rồi một hôm, ông nghe mọi người nói làng Chợ Dầu của ông theo Tây, ông bàng hoàng, sững sờ và cảm thấy tủi hổ trước cái tin dữ ấy. Lúc nào ông cũng cảm thấy nỗi ám ảnh nặng nề và sợ hãi vì cái tin làng mình theo giặc. Nhiều lúc muốn trở về làng song ông nghĩ: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù ”. Và rồi một hôm, ông nghe tin chính thức là làng ông không phải theo Tây mà vẫn theo kháng chiến thì ông lại vui vẻ đến lạ thường. Ngồi đâu ông cũng kể với mọi người là nhà ông bị Tây đốt, là không phải làng ông theo Tây một cách vui vẻ, tỉ mỉ, rành rọt như chính ông vừa dự xong trận đánh.
3. Tình huống nào trong truyện đã làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước của nhân vật ông Hai ?
            Tình huống truyện: ở nơi tản cư, khi vừa ở phòng thông tin ra thì ông Hai đột ngột nghe được tin làng Chợ Dầu theo giặc từ những người mới tản cư ở dưới xuôi lên. Chính tình huống gay cấn ấy, tác giả đã làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước của người nông dân làng quê là ông Hai.
4. Đoạn đối thoại trên, những lời của nhân vật ông Hai không phải chỉ nhằm trò chuyện với con mà còn biểu hiện tình cảm thiêng liêng và sâu nặng của ông Hai với quê hương, với đất nước, với kháng chiến, với Cụ Hồ. Trò chuyện với đứa con nhỏ thực chất là cách để ông vơi đi phần nào nỗi nhớ, nỗi đau xót về làng mình để từ đó thổ lộ nỗi lòng thuỷ chung của mình với làng quê, với cuộc kháng chiến. Vì thế, đoạn văn trên hình thức là đối thoại nhưng lại mang tính chất độc thoại nội tâm.
5. Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng mình theo Tây? Vì sao ông Hai lại có tâm trạng như vậy?
            Khi nghe tin quá đột ngột về cái làng Chợ Dầu quê ông theo Tây, ông Hai sững sờ, “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng hẳn đi, tưởng như đến không thở được”. Cái tin dữ ấy như sét đánh bên tai. Khi chấn tĩnh lại phần nào, ông còn cố chưa tin cái tin ấy nhưng rồi những người tản cư đã kể rành rọt quá, lại khẳng định rằng họ vừa ở dưới ấy lên làm ông không thể không tin.
            Từ lúc ấy, trong tâm trí ông Hai chỉ còn có cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó thành nỗi ám ảnh, day dứt. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông cúi gằm mặt xuống mà đi. Về đến nhà, ông nằm vật ra giường rồi tủi thân nhìn đàn con: “nước mắt ông lão cứ giàn ra... Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư ?...”
            Từ sự sững sờ, day dứt, tâm trạng ông Hai đã biến thành sự sợ sệt trong cõi lòng: suốt ngày ông không giám đi đâu, ông chỉ quanh quẩn ở nhà, nghe ngóng tình hình bên ngoài. Rồi chỉ: Một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”. Rồi cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra trong ông: ông muốn trở về làng để xem thực hư ra sao. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện làng theo Việt gian là ông lại không muốn về. Ông nghĩ: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.” Và cuối cùng, ông chỉ còn biết tâm sự với đứa con nhỏ. Qua lời tâm sự ấy, ông Hai đã bộc lộ tình yêu làng, yêu nước, niềm tin với kháng chiến, với Cụ Hồ. Tóm lại, tác giả đã diễn tả rất cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự sợ hãi và xung đột nội tâm trong ông Hai. Qua đó chứng tỏ Kim Lân là nhà văn am hiểu sâu sắc tâm tư của người nông dân thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Ông Hai có tâm trạng như vậy vì ông rất yêu làng, tình yêu làng đã gắn bó gần như máu thịt trong ông. Do đó, khi nghe tin xấu về làng ông đã không chấn tĩnh nổi tâm trạng của mình.
6. Phân tích tình yêu làng quê gắn với tình yêu đất nước của ông Hai.
            Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, hai thứ tình cảm ấy (tình yêu làng và tình yêu nước) đã dẫn đến một cuộc xung đột nội tâm ở ông Hai. Ông đã dứt khoát lựa chọn theo cách của ông: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”, tình yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm với làng quê. Nhưng dù có xác định như thế, ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm với làng quê vì thế mà càng đau xót, tủi hổ.  Và ông đã bị đẩy vào tình thế bế tắc tuyệt vọng khi mụ chủ nhà muốn đuổi gia đình ông đi. Đi đâu bây giờ, không ai muốn chứa chấp dân của cái làng theo Việt gian và cũng không thể quay về làng. Bởi về làng “tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây”. Mối mâu thuẫn trong nội tâm và tình thế của nhân vật dường như đã thành sự bế tắc đòi hỏi phải được giải quyết.  Cuối cùng, ông chỉ biết ôm thằng con nhỏ, trút nỗi lòng của mình vào những lời thủ thỉ tâm sự với đứa con còn rất ngây thơ. Qua những lời tâm sự với đứa con nhỏ, thực chất là lời tự nhủ với mình, tự giãi bày nỗi lòng mình. Ta thấy tình yêu của ông với làng Chợ Dầu thật sâu nặng. Tình yêu ấy không chỉ dừng lại với làng mà nó còn là tấm lòng thuỷ chung với kháng chiến, với Cách mạng mà biểu tượng là Cụ Hồ. Tình cảm ấy thật sâu sắc và thiêng liêng!
7. Em có nhận xét gì về nghệ thuật miêu tả tâm lý và ngôn ngữ nhân vật ông Hai của tác giả ?
            Truyện được xây dựng theo một cốt truyện tâm lý: tác giả đã sáng tạo ra tình huống truyện có tính căng thẳng, thử thách ở nội tâm nhân vật để từ đó bộc lộ đời sống bên trong, tình cảm, tư  tưởng của nhân vật. Tác giả miêu tả rất cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm qua các ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ... đặc biệt, diễn tả rất đúng và gây ấn tượng mạnh về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật. Điều đó chứng tỏ Kim Lân am hiểu rất sâu sắc về người nông dân và thế giới tinh thần của họ.
·                                Ngôn ngữ nhân vật rất đặc sắc, đặc biệt là ngôn ngữ nhân vật ông Hai.
Ngôn ngữ mang đậm tính khẩu ngữ, nhất là những lời ăn tiếng nói của nhân dân. Lời trần thuật và lời nhân vật có sự thống nhất về sắc thái, về giọng điệu, do truyện được trần thuật chủ yếu qua điểm nhìn của nhân vật ông Hai. Ngôn ngữ nhân vật ông Hai vừa có nét chung của người nông dân lại vừa mang đậm cá tính của nhân vật nên rất sinh động. Cách trần thuật rất linh hoạt, tự nhiên, có nhiều chi tiết sinh hoạt đời sống hàng ngày xen vào với mạch tâm trạng khiến cho truyện sinh đồng hơn.
8. Truyện được kể theo ngôi thứ mấy? Tác dụng của việc sử dụng ngôi kể này?
            Ngôi kể: Truyện được trần thuật theo ngôi kể thứ ba. Tác dụng: Chọn ngôi kể thứ ba, giúp cho nhân vật ông Hai trong truyện được đánh giá một cách khách quan, tự nhiên. Tình yêu làng, yêu nước của ông được đánh giá khách quan chứ không phải chủ quan của người kể.
9. Giải thích tiêu đề tác phẩm.  Đặt tên truyện là “Làng”, dụng ý của tác giả muốn nói tới nhiều làng quê Việt Nam. Và trong những làng quê ấy có những người nông dân có tình yêu làng, yêu nước như nhân vật ông Hai. Như vậy, từ một “làng”, tác giả muốn nói tới nhiều làng. Từ hình ảnh một người nông dân, tác giả muốn nói tới hình ảnh của nhiều người nông dân Việt Nam đều có tinh thần yêu làng yêu nước như ông Hai.

Chiếc lược ngà - Tác giả: Nguyễn Quang Sáng
1. Tóm tắt truyện ngắn “Chiếc lược ngà ”:
Câu chuyện được ghi lại qua lời kể của một chiến sĩ cách mạng lớn tuổi (bác Ba). Thời chống Pháp, ông Sáu thoát li đi kháng chiến lúc bé Thu, con gái ông chưa đầy một tuổi. Hoà bình lập lại, ông về thăm gia đình, con gái ông không nhận ra cha vì vết sẹo trên mặt làm ba em không giống người ba trong bức ảnh chụp mà em biết. Suốt ba ngày ở nhà, bé Thu tìm cách xa lánh, giận dỗi, nhất định không chịu gọi ông là ba. Mãi đến lúc ông Sáu lên đường, cô bé mới nhận cha và đeo chặt lấy ông. Trong những năm tháng ở căn cứ, ông Sáu thương nhớ con vô hạn, cặm cụi làm một chiếc lược bằng ngà voi cho bé Thu như lời hứa khi ra đi. Trước lúc hi sinh, ông chỉ kịp trao chiếc lược ngà cho người bạn để gửi cho con gái, thay lời trăng trối. Sau này, trong một chuyến đi công tác, bác Ba đã tình cờ gặp Thu tại một trạm giao liên ở vùng Đồng Tháp Mười. Thu đã trở thành một cô giao liên dũng cảm, dẫn đoàn cán bộ vượt qua đoạn đường nguy hiểm. Bác Ba đã thực hiện được nguyện vọng cuối cùng của người đồng đội cũ (ông Sáu), trao tận tay cho Thu chiếc lược ngà. Một tình cảm giống như tình cha con đã nảy nở giữa bác Ba với Thu.
·                                Tình huống đã bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu:
Ông Sáu vào chiến trường, lúc đi đứa con chưa đầy một tuổi nên con gái ông không biết mặt cha. Hai cha con ông Sáu gặp gỡ sau tám năm xa cách, nhưng bé Thu không nhận ra cha. Đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm tha thiết thì ông Sáu lại phải ra đi. ở khu căn cứ, ông Sáu dồn hết tất cả tình thương nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà, nhưng ông đã hi sinh khi chưa mang được món quà về cho con gái.
2. Nêu các tác phẩm chính và hoàn cảnh sáng tác Chiếc lược ngà:
            Các tác phẩm tiêu biểu của ông: “Con chim vàng”, “Người quê hương”, “Chiếc lược ngà ”, “Bông cẩm thạch ”,...(truyện ngắn); “Đất lửa”, “Mùa gió chướng”, “Dòng sông thơ ấu”,... (tiểu thuyết).
            Truyện ngắn “Chiếc lược ngà ” được viết vào năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, và được đưa vào trong tập truyện cùng tên.
3. Nêu khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn  “Chiếc lược ngà”.
            Giá trị nội dung: Thể hiện tình cha con sâu nặng, một nét đẹp tâm hồn của một người cán bộ cách mạng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
            Giá trị nghệ thuật: Người kể ở đây là Bác Ba - người bạn thân thiết của ông Sáu, chọn vai kể  này có tác dụng biểu hiện cảm xúc một cách khách quan và đan xen những lời nhận xét, bình luận và đánh giá. Sáng tạo tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí. Thành công trong việc miêu tả tâm lý và xây dựng tính cách nhân vật. Cốt truyện chặt chẽ.
4. Viết một bài văn phân tích diễn biến tâm lý, hành động của bé Thu trong lần ông Sáu về thăm nhà. Qua đó hãy nhận xét về tính cách của nhân vật bé Thu và nghệ thuật miêu tả tâm lý của tác giả.
            Lên chín tuổi, trong tâm trí của bé Thu luôn nuôi dưỡng hình ảnh cha qua tấm hình với má nó đã phai màu. Nó yêu và tôn sùng người cha ấy, vậy mà khi người cha bằng da bằng thịt hẳn hoi xuất hiện thì nó lại khước từ một cách tàn nhẫn. Vừa thấy ông Sáu chạy tới, gọi tên nó, nó đã hốt hoảng, sợ tái mặt, vụt chạy và kêu thét lên : “Má! Má! ” như vừa gặp một chuyện gì chẳng lành. Trong ba ngày ông Sáu ở nhà, nó nhất định không chịu gọi ông Sáu bằng “ba”, luôn nói trống không “Vô ăn cơm” hay gọi là “người ta”, và có những hành động quyết liệt : hất cái trứng cá ba bỏ cho, bơi xuồng sang nhà ngoại...  Những hành động ấy của Thu nhìn bề ngoài có vẻ là hỗn láo, ương ngạnh nhưng thực chất lại hoàn toàn không phải là như thế. Bởi vì trong lòng em chỉ có người cha yêu thương trong tấm ảnh chụp chung với má, vì thế em không thể yêu thương, gần gũi và gọi “ba” với một người xa lạ, một người cha khác đã có vết sẹo trên má như thế được. Khi bỏ về nhà ngoại, được ngoại giải thích rõ, Thu đã giải toả được mối nghi ngờ. Dường như trong em dấy lên một tình cảm mới, yêu thương cha xen lẫn cả sự ân hận : “nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn ”.  Vì vậy, buổi sáng hôm sau khi người cha lên đường, tình yêu thương cha và nỗi mong nhớ người cha sau bao nhiêu năm xa cách đã dồn nén, nay bùng lên thật mạnh mẽ, hối hả, xen cả sự hối hận. Tiếng kêu    “Ba... a... Ba ” như xé cả ruột gan người đọc. Sau đó, bé Thu “chạy thót lên, dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó... hôn ba nó cùng khắp... hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa, rồi chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run”
            Qua diễn biến tâm lý và hành động của bé Thu, ta thấy tình cảm của em thật sâu sắc và mạnh mẽ nhưng cũng thật dứt khoát, rành rọt. ở em, còn có nét cá tính cứng cỏi, một bản lĩnh riêng đến mức tưởng chừng ương ngạnh, bướng bỉnh, nhưng thực ra hành động đó vẫn chứng tỏ bé Thu vẫn là một đứa trẻ với tất cả vẻ hồn nhiên, thơ ngây của trẻ con. Diễn tả được tình cảm, tâm lý của Thu như thế chứng tỏ Nguyễn Quang Sáng không chỉ là người am hiểu tâm lý của trẻ thơ mà còn là người am hiểu sâu sắc tính cách của người dân Nam Bộ.
5. Phân tích tình cảm sâu nặng và cao đẹp của ông Sáu đối với con qua đoạn trích.
            Lúc anh đi kháng chiến, đứa con gái của anh chưa đầy một tuổi. Gần chín năm, anh chỉ thấy con qua ảnh, nên anh khao khát một ngày được gặp con, được ôm hôn con. Vì vậy, “Đến lúc được về, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh”. Khi xuống đến bến, “anh nhún chân nhảy thót lên..., bước vội vàng với những bước dài, rồi dừng lại kêu to: - Thu! Con”. “Và với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh ”. Không được con nhận mình là cha, ông Sáu vô cùng đau khổ, nhưng ông vẫn kiên nhẫn chờ đợi tình cảm của con : “Suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con... Anh mong được nghe một tiếng “ba” của con bé ”. Giờ phút chia tay, anh rất muốn ôm con nhưng lại sợ nó bỏ chạy, nên “anh nhìn con với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”. Khi nghe tiếng gọi “Ba ” của con gái, ông Sáu xúc động quá đỗi “Không ghìm được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con”. ở nơi công tác, ông thương nhớ con vô vàn, và dồn tất cả tình thương vào việc làm chiếc lược ngà tặng con như đã hứa: “anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”. Và anh “gò lưng, tẩn mẩn” khắc từng nét dòng chữ chứa chan tình yêu thương đối với con : “Yêu nhớ tặng Thu con của ba ”. Chiếc lược ngà đã thành một vật quý giá thiêng liêng với ông Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong đợi của người cha với đứa con xa cách. Trước khi hi sinh, ông không còn đủ sức để trăng trối, chỉ kịp gửi lại vật kỉ niệm thiêng liêng đó cho con. Tình cha con của ông không thể chết!Tất cả đã thể hiện tình cảm yêu thương con vô cùng sâu sắc của ông Sáu. Câu chuyện còn gợi ta hiểu về tình cảm gia đình cao đẹp, thấm thía những nỗi mất mát, đau thương của những người cán bộ cách mạng mạng đã hi sinh vì Tổ quốc.
6. Truyện được kể ở ngôi thứ mấy? Ai là người kể chuyện? Cách chọn vai kể như vậy có tác dụng gì trong việc xây dựng nhân vật và thể hiện nội dung tư tưởng của truyện?
            Truyện ngắn “Chiếc lược ngà ” được kể ở ngôi thứ nhất. Lời kể là của một chiến sĩ cách mạng - người bạn thân thiết của ông Sáu. Người bạn đó vừa chứng kiến những cảnh hội ngộ éo le đầy xúc động của cha con ông Sáu, vừa bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với các nhân vật. Qua cảm xúc của người kể, những chi tiết, sự việc, nhân vật trong truyện được tái hiện sinh động, sắc nét, gây xúc động mạnh đối với người  đọc và góp phần thể hiện trọn vẹn nội dung của truyện.  Hơn nữa, cách chọn vai kể như vậy khiến cho câu chuyện trở nên đáng tin cậy, xác thực. Người kể hoàn toàn chủ động điều khiển nhịp kể theo trạng thái cảm xúc của mình, chủ động xen vào những suy nghĩ, ý kiến để dẫn dắt sự tiếp nhận của người đọc: “Trong cuộc đời kháng chiến của tôi, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chia tay, nhưng chưa bao giờ tôi bị xúc động như lần ấy... Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh.”

Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga:
1. Nêu khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.
            Giá trị nội dung: Đoạn trích thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc hoạ những phẩm chất đẹp đẽ của hai nhân vật: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài; Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na, ân tình. Ca ngợi người anh hùng nghĩa hiệp, đề cao tinh thần cứu khó phò nguy, xem trọng tình cảm con người.
            Giá trị nghệ thuật: Ngôn ngữ mộc mạc, bình dị gần với lời nói thông thường, mang màu sắc địa phương Nam Bộ. Nó có phần thiếu trau chuốt, uyển chuyển nhưng lại phù hợp với ngôn ngữ thông thường của người kể chuyện rất tự nhiên và dễ đi vào quần chúng. Ngôn ngữ thơ đa dạng, phù hợp với từng diễn biến tình tiết: Lời của Vân Tiên với bọn cướp đầy phẫn nộ. Lời của tên tướng cướp hống hách, kiêu căng. Lời của Vân Tiên và Nguyệt Nga nói với nhau thì mềm mỏng, xúc động và chân thành.
2.  Đọc đoạn trích, em cảm nhận Lục Vân Tiên là một con người như thế nào? Hãy phân tích những phẩm chất của nhân vật qua hành động đánh cướp và qua cách cư xử với Kiều Nguyệt Nga:
            Có quan niệm sống: làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên. Có hành động chính trực, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài. Đó là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán. Lại rất từ tâm, nhân hậu. Với những nét tính cách đó, hình ảnh Lục Vân Tiên là một hình ảnh đẹp mang tính lý tưởng hoá mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm niềm tin và ước vọng của mình.
o                                                       Phẩm chất của Lục Vân Tiên qua hành động đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga:
Hành động đánh cướp trước hết bộc lộ tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Vân Tiên. Chàng chỉ có một mình tay không trong khi bọn cướp đông người, gươm giáo đủ đầy, thanh thế lẫy lừng. Vậy mà Vân Tiên vẫn “bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô ” đánh cướp. Hình ảnh Vân Tiên trong trận đánh được miêu tả thật đẹp. Đó là vẻ đẹp của một dũng tướng theo phong cách văn chương thời xưa. Nghĩa là chàng được so sánh với  những mẫu hình lý tưởng như dũng tướng Triệu Tử Long đánh quân Tào Tháo trong “Tam quốc chí ” của La Quán Trung. Hành động của Vân Tiên chứng tỏ cái đức của con người “vị nghĩa vong thân”, cái tài của bậc anh hùng và sức mạnh bênh vực kẻ yếu, chiến thắng những thế lực bạo tàn.
o                                                       Thái độ cư xử với Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh cướp:
Thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên động lòng tìm cách an ủi họ ( “Ta đã trừ dòng lâu la”) và ân cần hỏi han.         Khi nghe họ nói muốn được lạy tạ ơn, Vân Tiên vội gạt đi ngay          ( “Khoan khoan ngồi đó chớ ra”). Dù ở đây có phần câu nệ lễ giáo phong kiến (nam nữ không được gần gũi, động chạm vào nhau), nhưng chủ yếu vẫn là do đức tính khiêm nhường của Vân Tiên: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Chàng không muốn nhận cái lạy tạ ơn của hai cô gái, từ chối lời mời  về thăm nhà của Nguyệt Nga để cha nàng đền đáp. Và ở đoạn sau chàng còn từ chối nhận chiếc trâm vàng của nàng, chỉ cùng nhau xướng hoạ một bài thơ rồi thanh thản ra đi, không hề vương vấn. Rõ ràng, thái độ cư xử của Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh cướp đã bộc lộ tư cách của con người chính trực, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, cũng rất từ tâm, nhân hậu. Dường như đối với Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên, con người trọng nghĩa khinh tài ấy không coi đó là công trạng. Đây cũng là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của người anh hùng hảo hán xưa kia.
            =>Nhân vật trong đoạn trích được miêu tả chủ yếu qua hành động, ngôn ngữ và cử chỉ. Điều đó cho ta thấy “Truyện Lục Vân Tiên” gần giống với loại truyện cổ tích Việt Nam, đặc biệt là truyện  cổ tích “Thạch Sanh” (đã học).

Hoàng Lê nhất thống chí (Hồi thứ 14) - Ngô gia văn phái
1. Tóm tắt Hồi thứ 14 “Hoàng Lê nhất thống chí ” và cho biết ý nghĩa nhan đề tác phẩm:
            Tôn Sĩ Nghị dễ dàng đưa quân vào Thăng Long, quân lính kiêu căng, chủ quan mà không biết quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đang tiến quân ra Bắc. Thấy tình hình địch chủ quan, Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng Đế vào ngày 25 tháng Chạp, ông lấy hiệu là Quang Trung, bắt đầu tiến quân ra Bắc Hà. Ngày 29 đến Nghệ An, vừa đi vừa tuyển mộ binh lính được hơn một vạn quân tinh nhuệ. Quang Trung mở một cuộc duyệt binh lớn, đọc lời dụ tướng sĩ. Ngày 30 tháng 12, ông mở tiệc khao quân ăn Tết trước. Đêm 30 tháng 12 lên đường, hẹn ngày mồng 7 tiến vào Thăng Long. Nghĩa quân đi đến đâu, tiêu diệt gọn quân địch đế đó. Ngày mồng 3 tháng 1, quân Tây Sơn chiếm đồn Hạ Hồi, mờ sáng ngày mồng 5, chiếm đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh ở thành Thăng Long không hề hay biết. Tôn Sĩ Nghị và vua Lê Chiêu Thống cho quân tưng bừng ăn Tết. Quang Trung tiến vào, quân nhà Thanh không chống đỡ nổi đành bỏ chạy, chen chúc nhau mà chết. Lê Chiêu Thống chạy theo nhà Thanh đến cửa ải, Nghị đã khuyên vua Lê Chiêu Thống tạm lánh nạn rồi trở về nước.
            ý nghĩa nhan đề tác phẩm: “Hoàng Lê nhất thống chí ” là ghi chép lại sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê.
2. Chỉ ra bố cục của Hồi thứ 14 “Hoàng Lê nhất thống chí ”.
            Phần 1 (Từ đầu đến “... hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788).”) : Được tin báo quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế và thân chinh cầm quân dẹp giặc.
            Phần 2 (Tiếp theo đến “... vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành.”) : Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
            Phần 3 (phần còn lại) : Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
3. Nêu khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của Hồi thứ 14 “Hoàng Lê nhất thống chí ”.
            Nội dung: Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả “Hoàng Lê nhất thống chí ” đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi thảm của vua tôi Lê Chiêu Thống. Nghệ thuật: Giọng kể và tả khách quan nhưng vẫn ngầm mỉa mai khi tả bọn Tôn Sĩ Nghị và sự phấn chấn khi diễn tả chiến thắng của quân Tây Sơn.
4. Qua đoạn trích “Hoàng Lê nhất thống chí ”(hồi thứ 14) em hãy nêu cảm nhận của em về hình ảnh người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ.
            Đoạn trích đã xây dựng hình ảnh người anh hùng áo vải có một không hai trong lịch sử dân tộc. Đoạn trích đã xây dựng hình ảnh người anh hùng áo vải có một không hai trong lịch sử dân tộc. Từ đầu đến cuối đoạn trích, Nguyễn Huệ luôn thể hiện là con người hành động mạnh mẽ, nhanh gọn, có chủ đích và rất quả quyết: Nghe tin giặc chiếm đến tận Thăng Long, mất cả một vùng đất rộng lớn nhưng vẫn không hề nao núng, lại “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Trong một thời gian ngắn, hơn một tháng (từ ngày 24 tháng 11 đến 30 tháng Chạp), Nguyễn Huệ đã làm nhiều việc như:
        _ “Tế cáo trời đất”lên ngôi Hoàng Đế.
        _  Đốc xuất đại binh ra bắc.
        _  Gặp gỡ “người cống sĩ ở huyện La Sơn”.
        _  Tuyển mộ quân lính và mở cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An.
        _  Phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và cả kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng.
            Ông còn là một con người sáng suốt và nhạy bén: Ngay khi mấy vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy hùng hổ kéo vào nước ta, thế giặc đang mạnh, tình thế khẩn cấp, vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Nguyễn Huệ đã quyết định lên ngôi Hoàng Đế để chính danh vị, để cho nghĩa quân có niềm tin. Ông lấy niên hiệu là Quang Trung. Việc lên ngôi vua đã được tính kĩ lưỡng với mục đích thống nhất nội bộ, hội tụ anh em tài giỏi, quan trọng hơn là để “yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người ”, được nhân dân ủng hộ Ông cũng vô cùng sáng suốt trong việc phân tích tình hình thời cuộc và thế tương quan chiến lược giữa địch và ta (được thể hiện rất rõ qua lời phủ dụ quân lính ở Nghệ An). Quang Trung đã chỉ rõ: “đất nào sao ấy”, “người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác”. Ông đã khẳng định chủ quyền dân tộc của ta và lên án hành động xâm lăng phi nghĩa, làm trái đạo trời của giặc phương Bắc. Ông còn tố cáo tội ác của chúng đối với nhân dân ta: “Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp nước ta, giết hại nhân dân ta, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi ai cũng muốn đuổi chúng đi ”. Quang Trung đã khích lệ tướng sĩ dưới quyền bằng những tấm gương chiến đấu quả cảm chống giặc ngoại xâm của ông cha ta từ ngàn xưa như: Trưng nữ vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. Quang Trung đã dự kiến việc Lê Chiêu Thống về nước có thể làm cho mọi người phù Lê “thay lòng đổi dạ” với mình nên ông đã có lời dụ với quân lính vừa chí tình vừa nghiêm khắc: ông đã kêu gọi quân lính “đồng tâm hiệp lực” và ra kỉ luật nghiêm, “các ngươi đều là những kẻ có lương tri, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực dựng lên công lớn. Chớ có quen thói cũ ăn ở hai lòng, nếu như việc này bị phát giác, không tha một ai.”  Quang Trung còn là người sáng suốt trong việc xét đoán bQua những lời nói ta thấy rõ: ông rất hiểu việc rút quân của hai vị tướng giỏi này. Đúng ra thì: “Quân thua tại tướng” nhưng ông hiểu lòng họ, sức mình ít, không địch nổi quân hùng tướng hổ nhà Thanh nên đành phải bỏ thành Thăng Long rút về Tam Điệp để tập hợp lực lượng. Vậy Sở và Lân không bị trừng phạt mà còn được ngợi khen. Đối với Ngô Thì Nhậm, ông đánh giá rất cao và sử dụng như một vị quân sư “Đa mưu túc trí ”. Việc Sở và Lân rút chạy, Quang Trung cũng đoán là do Nhậm chủ mưu. Ông đã tính đến việc dùng Nhậm là người biết dùng lời khéo léo để dẹp việc binh đao. Điều này chứng tỏ ông rất hiểu sở trường, sở đoản của các tướng sĩ, khen chê đều đúng người, đúng việc,... khiến tất cả quân tướng nể phục.ề tôi, cách dùng người, điều đó thể hiện rất rõ qua cách xử trí với các tướng sĩ tại Tam Điệp. Quang Trung có ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng: Điều này thể hiện rất rõ ở chỗ, mới khởi binh đánh giặc, chưa dành được tấc đất nào, vậy mà vua Quang Trung đã nói như đinh đóng cột là “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn”. Đang ngồi trên lưng ngựa, Quang Trung đã nói với Nhậm về quyết sách ngoại giao và kế hoạch đối với địch trong 10 năm tới đối với địch, thường chỉ biết “thắng việc binh đao thì không thể dứt ngay được”. Nếu mười năm nữa ta đã được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ, nước giàu quân mạnh thì ta có sợ gì chúng. Ông cho khao quân ăn Tết sớm, và hẹn sẽ chiếm lại Thăng Long ngày mồng 7 năm tới. Và trong thực tế sau đó, chiến thắng đã đến sớm hơn cả ngày hẹn. Ông là người có tài  thao lược hơn người: Ngày 25 tháng Chạp bắt đầu xuất quân ở Phú Xuân (Huế) thì ngày 29 đã tới Nghệ An. Tại Nghệ An, vừa tuyển quân, vừa tổ chức đội ngũ, vừa duyệt binh lớn nhưng chỉ thực hiện trong một ngày. Hôm sau, tiến quân ra Tam Điệp, hợp quân, ra kế hoạch chiến đấu. Đêm 30 tháng ChạpHành quân xa liên tục với quy mô rất lớn mà cơ nào đội ấy vẫn chỉnh tề, chiến đấu nhịp nhàng, hiệu quả, trong khi đó có đến một vạn quân mới tuyển trước đó vài ngày.  lên đường, tiến quân ra Thăng Long, vừa hành quân, vừa đánh giặc để chiến thắng chỉ trong năm ngày. Cuộc hành quân thần tốc do Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn làm ta kinh ngạc. Vừa hành quân, vừa đánh giặc thế mà Quang Trung đã hoạch định kế hoạch từ ngày 25 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng sẽ vào ăn Tết ở Thăng Long, mà thực tế đã vượt trước hai ngày  Hình ảnh vị vua lẫm liệt trong chiến trận: Vua Quang Trung thân chinh cầm quân không phải chỉ trên danh nghĩa. Ông làm tổng chỉ huy chiến dịch thực sự. Dưới sự lãnh đạo tài tình của vị tổng chỉ huy này, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh những trận thật đẹp, thắng áp đảo kẻ thù. Khí thế đội quân làm cho kẻ thù khiếp vía và hình ảnh người anh hùng cũng được khắc hoạ lẫm liệt trong cảnh “khói toả mù trời, cách gang tấc không thấy gì ” nổi bật là hình ảnh nhà vua cưỡi voi đi đốc thúc với tấm áo bào màu đỏ đã sạm đen khói súng. Hình ảnh người anh hùng được khắc hoạ đậm nét với tính cách mạnh mẽ, với trí tuệ sáng suốt, nhạy bén, với tài dụng binh như thần. Ông vừa là người tổ chức, vừa là linh hồn của những chiến công vĩ đại.
5. Theo em tại sao các tác giả vốn là những người có cảm tình với nhà Lê lại có thể viết thực và hay như thế về người anh hùng Nguyễn Huệ?
            Các tác giả Ngô gia văn phái dù là những cựu thần chịu ân sâu nghĩa nặng của nhà Lê nhưng vì họ tôn trọng hiện thực và có ý thức dân tộc sâu sắc nên đã không thể bỏ qua sự thực khi tả ông vua nhà Lê hèn yếu đã cõng rắn cắn gà nhà và xem chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung là niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc. Bởi vậy họ đã phản ánh lịch sử một cách trung thực và viết về người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ với một cảm hứng ngợi ca.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét