Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

[Văn tự làm] Nghị luận về hiện tượng xã hội - Lớp 9

Ngay lúc tưởng là đã dọn sách sẽ foler văn lên đây thì khổ chủ phát hiện ra còn mấy bài văn cũ rích của học kì I học kì II này, thôi để post lên đây luôn cho blog nó phong phú tí :) 

Cái đề này do cô giáo của người viêt trong lúc hứng chí đã ra, thực tình thì chẳng có sách giáo khoa nào có cả == nhưng post lên cho mọi người tham khảo. Tất nhiên là văn phong người viết thì chẳng có gì gọi là đặc biệt cả... mọi người cứ việc chém thoải mái...(cười) 

Note: Copy bài sang nơi khác làm ơn xin ghi rõ nguồn và tác giả là Yunari!!!!!!! Xin hãy tự trọng và tôn trọng tác giả một chút!!! 
 
Vài lời muốn nói, bây giờ xin mời mọi người tham khảo. Comment cho tớ nhé ^^



Enjoy!!!  



Đề: Nghị luận về vấn đề chào cờ.

Bài làm
Chào cờ là một hành động mà không người dân nào không biết. Đó là một nghi thức trang trọng nhằm thể hiện niềm yêu thương, lòng kiêu hãnh, tự hào khi được là con dân đất Việt, đồng thời cũng thể hiện sự biết ơn đối với các thế hệ cha anh vì đã đổ máu hi sinh để đổi lấy độc lập tự do cho đất nước, để thắm thêm nữa cái màu đỏ oai hùng của lá quốc kì thiêng liêng. Thế nhưng việc chào cờ trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đáng để bàn tới. Nó đã, đang diễn ra và xảy ra theo cả hai chiều hướng hoàn toàn trái ngược: tốt và xấu. 

Đối với mỗi con người Việt Nam, có lẽ không còn gì thiêng liêng hơn cái khoảnh khắc đứng nghiêm trước lá cờ Tổ quốc, giơ cao tay chào, miệng hát vang bài Quốc ca hào hùng của đất nước. Trong những giây phút ngắn ngủi ấy, lòng yêu nước của ta, niềm tự hào khi được là nhân dân Việt Nam của ta như được đẩy cao đến đỉnh điểm: tâm hồn ta hòa làm một với lá cờ, trong tâm trí ta lúc ấy chỉ có mỗi hình ảnh lá cờ đỏ thắm phấp phới tung bay; ánh mắt ta hướng về ngọn cờ, hướng về cái vật chứng tiêu biểu cho bao nhiêu năm ba chìm bảy nổi của đất nước, cho bao nhiêu năm vất vả gian lao để lấy lại sự độc lập tự do, lấy lại chủ quyền, lấy lại cuộc sống no ấm hạnh phúc cho nhân dân. 

Thế nhưng hiện nay, trong lúc chào cờ, nhiều bạn học sinh thản nhiên quay sang nói chuyện với bạn khác, rồi cười, rồi giỡn. Có bạn không chịu hát Quốc ca_bài hát mang trong mình tinh thần thiêng liêng bất khuất của dân tộc, thậm chí có bạn còn cố ý xuyên tạc, hát sai lệch lời bài hát đến mức lố bịch để làm trò vui cho các bạn khác lại được một phen khác cười đùa và giỡn. Quốc ca_ bài hát mà người Việt Nam nào cũng biết, cũng tự hào khi hát lên lại không bằng một trò đùa và một chút cười cợt của các bạn ấy? Những hành động vô ý thức đó không chỉ làm khó chịu những người nghiêm túc khác cũng đang chào cờ, mà còn là sự sỉ nhục to lớn đối với quốc kì Việt Nam, với đất nước Việt Nam, đối với bao nhiêu năm trời đấu tranh gian khổ của nhân dân cho một quốc gia độc lập như hôm nay. Ở một số nơi còn có hiện tượng mở máy cát xét hát Quốc ca khi chào cờ, khi chào người ta chỉ việc đứng nhép miệng theo lời nhạc, hoặc tệ hơn, chỉ cần đứng im trong khi giai điệu hùng dũng của bài Tiến quân ca cất lên. Tất nhiên tiếng hát của cát xét có hay cách mấy thì cũng không sao bằng được tiếng hát cất lên từ trái tim ta, từ tận đáy lòng ta, từ sâu thẳm tâm hồn ta. Đứng im hay nhép miệng khi chào cờ trong tiếng máy hát nhạt nhẽo như vậy, có khi nào ta cảm thấy một chút xấu hổ, một chút tội lỗi, một chút áy náy? Và có khi nào ta cảm thấy tiếng hát kia thiếu đi cái gì đó, thiếu một chút nồng nàn, một chút yêu thương, tự hào, hay nhiệt huyết? 

Nguyên nhân của hiện tượng tiêu cực trên có lẽ là do ý thức của chúng ta chưa cao, và lòng yêu nước tồn tại bên trong chúng ta chưa đủ lớn. Nhiều bậc cha mẹ hiện nay do mải mê lo việc kiếm tiền và xoay vòng trong cái guồng quay của cuộc sống đã quên mất trách nhiệm giáo dục con cái những điều hay lẽ phải, cái nào là tốt nên làm, hành động nào là xấu không nên làm,… và hơn hết, trách nhiệm hàng đầu là phải dạy con biết yêu nước qua những tình yêu nho nhỏ như yêu gia đình, yêu bạn bè. Khi đã yêu nước thì ta phải tôn trọng tình yêu đó, phải tôn trọng Quốc kỳ, tôn trọng những buổi sáng chào cờ, tôn trọng việc hát Quốc ca trong những giờ chào cờ ấy. Đó mới là biểu hiện của một con dân nước Việt Nam. Còn một nguyên nhân khác nữa là ở một số nơi người ta không đặt nặng cũng như đề cao vấn đề chào cờ. Như đã nói ở trên, việc mở băng hát Quốc ca ở vài nơi tuy không phải là thương xuyên nhưng lại là một hiện tượng đáng báo động. Nó dẫn tới tâm lý coi thường việc chào cờ ở một số người, mà coi thường việc chào cờ cũng đồng nghĩa với coi thường tình yêu của mình dành cho đất nước, mà coi thường tình yêu nước của chính mình sẽ biến ta thành một kẻ mất gốc đáng trách. Cũng có những trường hợp ta thật lòng muốn hát thật to, thật hùng hồn bài hát của dân tộc nhưng vì nhìn quanh thấy ai nấy đều nín thinh hoặc chỉ nhép miệng đã sinh chột dạ, ngại bị người khác xem là chơi trội, rồi lại không dám hát. Đó thật là một suy nghĩ sai lầm vì biết đâu được, xung quanh ta còn có bao nhiêu người như ta, cũng muốn hát nhưng lại không dám hát? Và biết đâu chừng, khi ta hát lên thì mọi người xung quanh cũng bị tinh thần và nhiệt huyết của ta lôi kéo mà hát theo, khiến cho buổi chào cờ nhàm chán, vô vị trở nên bừng bừng hứng khởi, mở đầu tốt đẹp cho một tuần mới học tập và làm việc tràn đầy tình yêu cùng  sức sống. 

Chào cờ không nghiêm túc có rất nhiều tác hại. Tác hại đầu tiên của nó là làm xấu đi hình ảnh của con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Nếu một người nước ngoài đến Việt Nam và vô tình chứng kiến một buổi lễ chào cờ mà học sinh hát như không hát, hay thậm chí không hát, vừa hát vừa cười đùa, giỡn hớt; hay một buổi lễ chào cờ mà ở đó tiếng hát con người “được” thay bằng tiếng máy cát xét vô hồn, vô nghĩa thì thử hỏi người đó có thể nghĩ tốt về bản thân con người Việt Nam chúng ta nữa hay không? Làm sao mà nghĩ tốt được chứ, về những con người thậm chí còn không coi quốc kì, quốc gia mình quan trọng bằng một chút vui vẻ bỡn cợt của chính mình? Tác hại thứ hai là nó làm phiền và gây khó chịu cho những người khác ở xung quanh, vốn nghiêm túc và có ý thức khi chào cờ, làm ảnh hưởng đến tính tranh nghiêm của buổi lễ. Không những thế, nó còn bào mòn đi tinh thần yêu nước bên trong những con người không có ý thức chào cờ đó. Làm sao họ có thể tự vỗ ngực nói tiếng yêu nước được khi mà họ đã đánh đổi cái khoảnh khắc đẹp nhất, cao quý nhất của người dân đất nước Việt Nam, của con người Việt Nam để lấy những niềm vui nông cạn trong phút giây và lấy cái sĩ diện hão, cái nhút nhát, cái tôi ảo bên trong chính họ? Cái sự mục ruỗng tinh thần ấy hơn tất cả, gây ra nhiều hậu quả hơn chúng ta tưởng, bởi dù có mất gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn không thể mất gốc, mất đi cội nguồn, vì nó là cái đáng trân trọng nhất của ta, là cái để ta vui sướng mỗi lần nói đến khi lưu lạc xứ người, là cái tự hào niềm tự hào không thể nào giải thích của ta khi được là dòng dõi con Rồng cháu Tiên, là người con đất Việt. 

Nhưng rất may hiện tượng đó chỉ chiếm thiểu số trong xã hội hiện nay. Đâu đó vẫn còn rất nhiều người tôn trọng việc chào cờ, coi việc đó như một đặc ân đáng quý: Trong những giải đấu thể thao như SEAGAMES, khi chào cờ, tất cả các cầu thủ trong đội bóng ai nấy đều hoàn toàn nghiêm túc, và khi họ cất vang lời ca Tiến quân ca, ta có thể thấy được trong nhưng ánh mắt ấy, những gương mặt ấy chứa chan lòng yêu nước đến kiêu hãnh và niềm tự hào lớn lao với Tổ quốc khi được hát vang Quốc ca trước bao nhiêu đồng bào, bao nhiêu bạn bè thế giới. Sự hào hứng, chân thành của các cầu thủ khiến ta tự nhắc nhở mình lúc nào cũng phải nghiêm túc lúc chào cờ như họ, dù xung quanh ta không có sự chứng kiến của bạn bè nước ngoài, dù xung quanh ta là cười đùa, giỡn hớt, dù xung quanh ta là những con người hát Quốc ca trong yên lặng. Hay như những buổi sáng chào cờ ở lăng Bác Hồ, ta cảm nhận được cái bầu không khí tuy trang nghiêm nhưng lại bình yên đến lạ của buổi chào cờ nơi đây. Trong trái tim ta lúc ấy chỉ có lá cờ đỏ sao vàng và hai chữ Việt Nam hay đến diệu kỳ; còn trong lá cờ đỏ sao vàng kia lúc ấy có gì? Có lòng yêu Tổ quốc nồng nàn của những con người đang có mặt và cả không có mặt, những người tóc xanh và cả những người đầu bạc, nhưng người còn sống và cả những người đã hi sinh? Hay có những xúc cảm chân thành đối với Tổ quốc mà bất kì nhân dân Việt Nam nào cũng có? 

Buổi chào cờ là khoảng khắc, là thời gian, là phút giây đáng trân trọng nhất của mỗi người, vì vậy không nên phá hỏng nó hay làm nó trở thành một vở kịch nhạt nhẽo, vô nghĩa. Chúng ta hãy kêu gọi họ, những người vẫn chưa có ý thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc chào cờ; kêu gọi bằng những lời khuyên răn, nhắc nhở và bằng cả những tiếng gọi từ trái tim, từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta; đối với tuổi học sinh thì cần giáo dục cho các bạn ấy biết, hiểu, cảm nhận về dòng máu đang chảy trong huyết quản của chúng ta là từ đâu, quê hương ta là ở đâu, cội nguồn ta ở đâu. Còn đối với những người đã có ý thức, hãy cổ vũ họ; hãy cũng cổ vũ họ bằng những cảm xúc chân thực nhất, những lời khích lệ xuất phát từ tận đáy lòng. Vì, trên hết, tình yêu thương mới là thứ gắn kết con người ta lại với nhau nhanh nhất, gần gũi với mỗi chúng ta nhất, và có sức lan tỏa mạnh nhất.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét