Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

[Văn tự làm] Vẻ đẹp nàng Thúy Kiều - Lớp 9

Bây giờ đã hoàn thành xong thi cử, khổ chủ xin được mạn phép post một số bài văn của mình lên. Bài này được khổ chủ viết trong thời gian ôn tập thi lớp 10, thời điểm gấp gáp nên tất nhiên sẽ không tránh khỏi sai sót cũng như những lỗi chính tả không đáng có. Mong mọi người đọc và góp ý chân thành.
Các bài văn do người viết tự làm sẽ được đặt trong dấu [Văn tự làm] để phân biệt với nguồn văn kiếm trên mạng [Văn tham khảo], mọi người chú ý nhé!  
Note: Copy bài sang nơi khác làm ơn xin ghi rõ nguồn và tác giả là Yunari!!!!!!! Xin hãy tự trọng và tôn trọng tác giả một chút!!!

Vài lời muốn nói, bây giờ xin mời mọi người tham khảo. Comment cho tớ nhé ^^




Phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”


“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”

Nguyễn Du_đại thi hào của dân tộc Việt Nam, đã để lại cho đời rất nhiều những tác phẩm chứa đầy tâm huyết. Trong số đó, “Truyện Kiều” hay “Đoạn trường tân thanh” là tác phẩm tuyệt vời nhất, có khả năng đi vào tâm tưởng hàng bao thế hệ già trẻ, lay động trái tim những con người yêu thơ. Qua “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã gởi gắm vào đó bao nhiêu là tâm tư, tình cảm, dẫn người đọc cùng đi trên hành trình tư tưởng của mình, đưa ta qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ cái ngỡ ngàng này tới cái ngỡ ngàng khác. Trong đó, đầu tiên là cái ngỡ ngàng của ta trước bức chân dung Thúy Kiều trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”.

Vẻ đẹp Thúy Kiều được miêu tả thông qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” nằm ở phần đầu tác phẩm “Truyện Kiều”, tập trung miêu tả ngoại hình và bức chân dung của nàng. Tuy vậy, tác giả đã không chỉ dừng lại ở giới thiệu và miêu tả mà, đồng thời còn lồng vào đó dự cảm của ông về số mệnh truân chuyên lắm gian khổ mà nàng phải chịu đựng, phải trải qua. Trật tự miêu tả của Nguyễn Du đi theo hướng cổ điển: mở đầu là giới thiệu chung về vẻ đẹp bề ngoài và bên trong, rồi tập trung đặc tả sắc đẹp mĩ miều có một không hai của Kiều, ca ngợi sự toàn vẹn về tài năng rồi ở cuối đoạn trích, chốt lại một lần nữa sự đoan trang đứng đắn của người con gái trước những ong bướm vờn quanh. Với ngòi bút tài hoa và tâm hồn mang nặng tính nhân văn, đại thi hào Nguyễn Du đã làm hình ảnh nàng Kiều hiện lên một cách tuyệt vời, thập toàn, thập mĩ.

Đoạn thơ bắt đầu bằng lời mở chung giới thiệu về cả hai chị em:

Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Tác giả giới thiệu sơ về Kiều và em, cũng như vai về và nét đẹp đáng trân trọng ở mỗi người qua những câu thơ đầu tiên. Từ ngữ “ả tố nga” mà tác giả sử dụng để nói về hai chị em cũng đồng thời mang ý nghĩa ví vẻ đẹp của hai nàng như chị Hằng Nga cai quản mặt trăng trong truyền thuyết, như cô gái ở chốn thần nơi tiên. Rồi nhà thơ giới thiệu về vai vế và nét đẹp trong tâm hồn của cả hai. Những hình ảnh ẩn dụ ước lệ tuyệt đẹp “Mai cốt cách tuyết tinh thần” càng làm ta cảm nhận rõ hơn: nều như “mai cốt cách” là nói lên dáng vẻ, cốt cách thanh tao, cao quý như mai, thì “tuyết tinh thần” lại gợi về tâm hồn trong sáng, ngây thơ, thanh sạch tựa sắc trắng tinh khôi của làn tuyết mỗi độ đông sang. Kiều và em, mỗi đều nàng mang một vẻ đẹp rạng ngời riêng, một nét tính cách đẹp đẽ riêng, nhưng nhìn tổng thể thì ai cũng đều hoàn hảo tới mức “mười phân vẹn mười”. Vẻ đẹp toàn mĩ theo quan niệm phong kiến thời xưa ấy thể hiện sự lý tưởng hóa cao độ của tác giả trong nghệ thuật miêu tả, bởi có mấy ai trên thế gian này may mắn có được vẻ đẹp toàn vẹn như vậy đâu?

Sau phần giới thiệu chung về hai chị em, Nguyễn Du đã vẽ nên bức chân dung riêng của từng nhân vật. Bên cạnh một cô em Thúy Vân đoan trang đức hạnh mang vẻ đẹp hiền hòa, bức chân dung trọn mặt tài sắc, vẹn mặt tâm hồn của Kiều trở nên nổi bật hơn lên hẳn. Bằng những đường nét tinh xảo mang tên “nghệ thuật ước lệ”, chân dung nàng Thúy Kiều dần hiện lên, có cảm giác như nàng hiện diện không chỉ trên trang giấy mà hình ảnh nàng còn dẫn rõ ràng lên trong cả tâm tưởng người đọc:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:

So với Vân, cả về mặt tài lẫn mặt sắc Kiều đều trội hơn. Từ ngữ “càng” càng làm ta thấy rõ nét đặc biệt về nhan sắc và tai hoa nàng Kiều. Nghệ thuật đòn bẩy đã được Nguyễn Du sử dụng một cách tài tình, khéo léo: dùng Vân làm nên, làm chuẩn mực để bật mạnh lên, làm trội hơn vẻ đẹp của Kiều. Thúy Kiều có một vẻ đẹp thật vô cùng tuyệt diệu: sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về nhan sắc, là người đẹp hoàn hảo trên cả hai phương diện: sắc và tài. Ta thấy nàng Kiều bật hơn hơn hẳn cô em mình. Ở Kiều không có nét đoan trang phúc hậu, dịu dàng đằm thắm như Vân mà là vẻ đẹp “mặn mà, sắc sảo”, tinh tế và có sức lôi cuốn người khác mạnh mẽ:

Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

Đối với Thúy Kiều, nhà thơ đã không chỉ rõ từng bộ phận cụ thể như khi tả Thúy Vân, nhưng những câu thơ ông viết lại làm mỗi người khi đọc đều có thể hình dung ra cho riêng mình một nàng Kiều tuyệt sắc tài hoa, thấy rõ ràng được bức chân dung người con gái đẹp “mười phân vẹn mười”. Với những nét bút ước lệ tuyệt vời, một ấn tượng đẹp tổng thể được gợi lên: “làn thu thủy” chỉ đôi mắt trong veo, thoáng gợn buồn tựa hồ làn nước vào độ tiết thu. Đôi mắt long lanh như chất chứa bao nỗi niềm tâm sự của nàng đã trở thành vẻ đẹp bất hủ trong thơ ca, khi nó đã khiến trái tim bao người xao xuyến xiêu lòng. Cụm từ “nét xuân sơn” vẽ nên trước mắt ta cặp chân mày thanh tú, nhẹ nhàng, duyên dáng như dáng núi vào xuân, thanh đậm một sắc màu đen nhạt. Với khuôn mặt xinh đẹp như hoa như ngọc ấy, Kiều có thể làm “nghiêng nước nghiêng thành” chỉ với một ánh mắt, hai cái nhìn. Nghệ thuật điển tích và nói quá mà Nguyễn du sử dung không những không phóng đại sự thật về sắc đẹp nàng Kiều mà như một lời khẳng định: Kiều là người con gái quốc sắc thiên hương, người có nhan sắc “kim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường”. Thật vậy, câu thơ “Sắc đành đòi một tài đành họa hai” cũng đã nói lên điều đó. Nếu về sắc, thì không ai có thể sánh được, còn tài thì họa hoằn lắm mới có người hơn nàng. Thế mà nàng Kiều lại hợp cả sắc và tài lại với nhau, như thế thì có thể chắc chắn rằng người được toàn vẹn như nàng trên thế gian này là không thể có. Nhưng vẻ đẹp ấy của Kiều lại không được thiên nhiên dễ dàng chấp nhận, nhường nhịn như Vân mà do quá tuyệt sắc nên đến cả thiên nhiên tạo hóa, đến là “hoa” cũng phải ghen tuông, là “liễu” cũng phải giận hờn. Biện pháp nhân hóa này cũng chính là lời hé mở của đại thi hào Nguyễn Du cho những phong ba bão tố rồi đây sẽ xuất hiện để vùi dập nàng, xô đẩy số phận nàng. Bởi như có một quy luật khắc nghiệt rằng những người đẹp sắc đa tài hay bị đất trời đố kị, ghen ghét nên không được hưởng cuốc sống yên bình, hạnh phúc:

Trời xanh quen thói mà hồng đánh ghen.

Sự trọn vẹn về nhan sắc của Thúy Kiều còn được bồi đắp thêm bằng cái phong phú trên bình diện tài năng. Tác giả đã viết những câu thơ tả về tài hoa và trí tuệ trời phú của nàng:

Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.

Nếu như ở cô em Vân, nhà thơ chỉ miêu tả sắc đẹp thì khi nói về Thúy Kiều, ông vừa đặc tả nhan sắc vừa ngợi ca tài năng. Với trí thông minh trời phú khi có được từ “vỗn sẵn tính trời” của mình, cộng thêm được hưởng sự giáo dục chu đáo khi xuất thân từ một gia đình danh giá, nàng Kiều có đầy đủ các tài cầm kì thi họa_chuẩn mực tài năng thời phong kiến khi vừa làm được thơ, vừa đánh đàn hay, lại vừa có tài vẽ. Các từ ngữ “vốn sẵn”, “pha nghề”, “đủ mùi”, “làu”, “ăn đứt” cũng vừa thể hiện tài bậc xuất sắc hơn người của Kiều, vừa thể hiện thái độ trân trọng của Nguyễn Du với tài hoa của nàng. Ở lĩnh vực nào Kiều cũng đều xuất chúng, nhưng tài đàn mới gọi là đạt đến mức độ cao nhất của tài nghệ, vượt xa hơn cả những người khác, trở thành “nghề riêng” của nàng. Ngón nghề điêu luyện cùng cung đàn Bạc mệnh sầu thương khổ não mà Kiều tự tay sáng tác đã làm bao người một khi đã thưởng thức thì không thể nào tránh khỏi cái cảm giác đau đáu trong tim, thổn thức trong tâm hồn. Khúc nhạc tựa tiếng lòng thổn thức của một trái tim đa sầu đa cảm. Phải chăng cung đàn Bạc mệnh ai oán thê lương, buồn bã đến nao lòng kia cũng chính là khúc giai âm về số phận đau đớn của cuộc đời, của kiếp người bấp bênh chìm nổi giữa bao sóng gió mà Kiều phải chịu đựng trong suốt mười lăm năm lưu lạc? Dường như nhà thơ cũng đã bày tỏ lòng thương cảm cùng dự báo về kiếp hồng nhan bạc mệnh của Kiều qua cung đàn Bạc mệnh: không có được cuộc sống êm đềm bình lặng như Vân, cuộc đời Kiều sẽ đầy ắp những éo le đau khổ, những buồn tủi thê lương tựa như cái bản nhạc thê lương sầu thảm ấy.

Cuối cùng, bốn câu thơ cuối đoạn trích đã miêu tả cuộc sống khuôn phép, mẫu mực để khẳng định lại lần nữa vẻ đẹp bức chân dung của cả hai chị em, vẻ đẹp cả về đức hạnh lẫn nhan sắc, về cốt cách lẫn tài năng:

Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

Tuy tuổi đã đến độ xuân thì, có thể búi tóc cài trâm, thành gia lập thất nhưng Thúy Vân và Thúy Kiều vẫn sống đoan chính trong khuôn khổ gia đình, giấu mình trong những “trướng rủ màn che”, thờ ơ với những kẻ trăng hoa ong bướm lả lơi xung quanh, nhưng đồng thời hai cô gái cũng rất rạo rực trước cái xuân sắc của tuổi trẻ. Những nét thơ ngây, trong sáng, hồn nhiên  ấy chính là cội nguồn bồi đắp, nuôi dưỡng cho sự hình thành nhân cách và ý thức làm người cao cả của hai chị em sau này, đặc biệt là nàng Vương Thúy Kiều.

Có thể nói rằng, lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc Việt Nam ta, hình ảnh người phụ nữ lại hiện diện một cách toàn mĩ cả về vẻ ngoài lẫn tâm hồn như vậy. Bằng ngòi bút thiên tài của mình, Nguyễn du đã làm nổi bật lên bức chân dung hai nàng Vân – Kiều, đặc biệt là nàng Kiều, bằng một tấm lòng trân trọng yêu mến và một nhiệt huyết tràn đầy, sôi nổi và say sưa. Đó chính là biểu hiện của cảm hứng nhân văn nơi con người có tấm lòng nhân đạo to lớn, mênh mông như đại dương biển cả, bao la như vòm trời xanh thẳm_nhà đại thi hào Nguyễn Du. Bởi lẽ, trong xã hôi phong kiền đầy những khuôn khổ phép tắc bất công, chênh lệch, hà khắc, người phụ nữ luôn bị chèn ép, chà đạp, xô đẩy, có khi còn bị vất vào chốn tận cùng của xã hội. Đoạn trích cũng thể hiện sự tài tình không ai sánh bằng trong nghệ thuật tả người của nhà thơ Tố Như, cộng thêm vốn hiểu biết sâu rộng xuất phát từ cuộc đời từng trải, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, hiểu nhiều, và cũng gặp nhiều khó khăn của ông, đã làm cho đoạn thơ “Chị em Thúy Kiều” trở nên đặc sắc, tuyệt diệu. Các biện pháp nghệ thuật được lồng ghép khéo léo, kếp hợp đan xen với nhau trong từng câu thơ. Từ ngữ được trau chuốt kĩ càng đến mức đạt trình độ cao nhất của sự điêu luyện. Tất cả, tất cả đã làm đoạn trích như tỏa sáng hơn, ánh hẳn lên trong tâm trí, tư tưởng người đọc.

Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” là một trong những đoạn miêu tả chân dung nhân vật hay nhất trong “Truyện Kiều”, góp phần đưa “Truyện Kiều” trở thành một trong những tác phẩm bất hủ trong nền văn học nước nhà, và nếu rộng ra hơn nữa, là của toàn nhân loại. Tác phẩm sẽ mãi như viên minh châu tỏa sáng lấp lánh trong lòng bao thế hệ đọc giả yêu thơ, như nhận định của Dương Quảng Hàm: “Trên từ các bậc văn nhân thi sĩ, dưới đến các kẻ thường dân phụ nhụ, ai cũng thích đọc, thích ngâm và thuộc được ít nhiều...”

Yunari

6 nhận xét: